☰ MỤC LỤC
Sau khi ăn sâu ban miêu, 2 người bị ngộ độc nặng phải nhập viện, một nạn nhân tử vong sau đó, còn một người đang nguy kịch.
Tử vong vì ăn sâu ban miêu
Ngày 13/6, lãnh đạo UBND xã Lưu Sơn (Đô Lương, Nghệ An) cho biết, ngày 12/6, anh Trần M.H. (50 tuổi) đến nhà bà Bùi Thị B. (64 tuổi) để xây cổng. Trưa cùng ngày, bà B. nấu cơm ăn thì anh H. nói loại sâu ban miêu trong vườn có thể ăn được vì trước đó anh đã ăn nhiều lần.
Cả 2 đã bắt loại sâu ban miêu này vào chế biến ăn. Đến chiều cùng ngày thì cả 2 người bắt đầu nôn ra máu, rộp miệng lưỡi. Các nạn nhân đã được người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương để cấp cứu và sau đó chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, do ngộ độc nặng, bà B. đã tử vong. Riêng anh H. hiện đang được cấp cứu tại Khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An.
Sơ lược về sâu ban miêu
Sâu ban miêu tên khoa học Cantharis vesicatoria, còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là loài sâu có cánh cứng như bọ, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20 mm, ngang 4-6 mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay dải ngang màu đen.
Những trường hợp bị ngộ độc sâu ban miêu tình trạng rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân ngộ độc sâu này qua đường tiêu hóa (do ăn uống), bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, suy hô hấp, tụt huyết áp, tỷ lệ tử vong hơn 50%.
Bác sĩ khuyến cáo không nên bắt sâu ban miêu để phòng ngộ độc, tuyệt đối không ăn sâu ban miêu. Nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, sau đó đến bệnh viện điều trị ngay.
Nguồn: Báo Dân trí