Bệnh gan nhiễm mỡ – Những điều cần biết

Gan nhiễm mỡ là một bệnh khá phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng cùng với lối sống hiện đại. Nội dung dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức tổng quan đầy đủ về căn bệnh thời đại này.

1. Gan nhiễm mỡ là gì ?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan hoặc khi quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều hơn 5% tế bào gan có chứa các hạt mỡ. Hầu hết các trường hợp gan nhiễm mỡ chủ yếu đều có chất béo ứ đọng là triglycerides, một vài trường hợp khác thì chất béo chủ yếu là phospholipids. Gan nhiễm mỡ không phải là bệnh di truyền và không lây nhiễm từ người này sang người khác.

hinh anh gan nhiem mo fatty liver real image
Hình ảnh gan nhiễm mỡ.

Dựa vào tỷ lệ mỡ trong gan mà bệnh gan nhiễm mỡ được chia thành 03 cấp độ:

  • Gan nhiễm mỡ cấp độ 1: tỷ lệ mỡ chiếm 5 – 10% trên tổng trọng lượng của gan, đây là giai đoạn đầu của bệnh vì vậy các dấu hiệu thường rất nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe. Việc cần làm trong điều trị gan nhiễm mỡ độ 1 là thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động và tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ.
  • Gan nhiễm mỡ cấp độ 2: tỷ lệ mỡ ở cấp độ 2 đã lên đến 10 – 25% trọng lượng của gan. Lúc này, mỡ đã lan rộng ra các mô gan và cơ hoành, tuy vẫn chưa gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì gan nhiễm mỡ cấp độ 2 có thể tiến triển thành độ 3.
  • Gan nhiễm mỡ cấp độ 3: là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm mỡ ở gan và là giai đoạn nguy hiểm nhất, rất khó điều trị và phục hồi, thậm chí có thể tử vong hoặc tăng các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan.
3 cap do gan nhiem mo
03 cấp độ gan nhiễm mỡ

2. Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ có thể là kết quả của rất nhiều bệnh lý và thói quen sống khác nhau. Từ các bệnh lý chuyển hóa, các rối loạn dinh dưỡng, sử dụng thuốc điều trị bệnh cho đến tình trạng nghiện rượu đều có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ:

  • Đồ uống có cồn: Nguyên nhân phổ biến nhất của gan nhiễm mỡ là uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn. Bên cạnh đó chúng còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh của các loại thuốc.
  • Béo phì: Nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ ở người béo phì cao gấp nhiều lần người có trọng lượng bình thường. Cơ thể của người béo phì thường xuyên cung cấp chất béo vượt ngưỡng cơ thể hấp thu nên gây ra hiện tượng tích tụ mỡ trong gan.
  • Mỡ máu cao: Lipid trong máu đi qua gan quá nhiều thì hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, nếu vượt quá khả năng chuyển hoá của gan sẽ làm mỡ trong máu tồn đọng trong gan sinh ra gan nhiễm mỡ.
  • Tiểu đường: Bệnh tiểu đường bản chất là rối loạn chuyển hoá gluco, đường huyết cao sẽ tạo thành một lớp bao phủ khiến gan mất đi chức năng chuyển hoá cholesterol dẫn tới tình trạng tích tụ nhiều cholesterol gây ra gan nhiễm mỡ.
  • Sút cân quá nhanh: Sút cân quá nhanh khiến cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein làm cho triglyceride tích tụ trong gan, lâu ngày sẽ gây thừa mỡ trong gan.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc điều trị mỡ máu, lao phổi có thể có tác dụng phụ gây tổn thương gan, làm gan nhiễm mỡ.

3. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không ?

Gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu căn bản là không ảnh hưởng gì đến sức khỏe vì vậy bệnh nhân thường không biết mình mắc bệnh và không được điều trị sớm. Nếu để tình trạng gan nhiễm mỡ kéo dài có thể gây ra các biến chứng sau:

– Viêm gan nhiễm mỡ

  • Mỡ bao phủ các tế bào gan ngày càng nhiều làm cho chức năng gan suy giảm, hạn chế vai trò chống độc của gan, tạo điều kiện thuận lợi cho các độc tố, vi rút, vi khuẩn, kí sinh trùng từ ruột và bên ngoài xâm nhập gây bệnh viêm gan.
  • Viêm gan nhiễm mỡ khiến gan nhanh chóng suy kiệt, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, làm tăng tỉ lệ tử vong. Vì vậy, bệnh viêm gan nhiễm mỡ rất cần được tầm soát sớm để ngăn ngừa biến chứng nguy hại này.

– Xơ gan

  • Gan nhiễm mỡ làm cho các tế bào hoạt động quá mức tạo ra các sợi xơ. Những chất xơ này ngày càng nhiều lên gây tổn thương, hoại tử các tế bào gan, làm biến đổi cấu trúc gan, hình thành các mô sẹo làm cho gan bị chai cứng, không còn khả năng phục hồi dẫn tới xơ gan.

– Ung thư gan

  • Gan nhiễm mỡ âm thầm tiến triển và tác hại lớn nhất của nó là ung thư gan. Ung thư gan hình thành dựa trên sự phát triển của bệnh lý xơ gan do thoái hoá mỡ.

4. Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ qua từng giai đoạn

–  Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 1

  • Khi gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 1, lượng mỡ trong gan chiếm từ 5 – 10% tổng trọng lượng lá gan. Đây được xem là giai đoạn nhẹ, lành tính, không nguy hiểm và cũng không có các biểu hiện gì.
  • Người bệnh không có biểu hiện cụ thể, nếu chỉ khám lâm sàng sẽ rất khó để phát hiện ra. Cần làm các xét nghiệm và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhất gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu.
  • Phát hiện và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ở giai đoạn này theo sự chỉ định của bác sĩ, tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ hoàn toàn có thể khỏi.

–  Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 2

  • Khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 – 20% tổng trọng lượng lá gan, bác sĩ xác định người bệnh đang ở giai đoạn hai của bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện rõ hơn như chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên. Cũng bởi các triệu chứng này khá phổ thông nên rất nhiều người không để ý và bỏ qua, khiến bệnh càng có cơ hội phát triển và nặng thêm.
  • Khi có kết quả xét nghiệm, người bệnh có thể thấy các mô mỡ đã xuất hiện rõ trên nhu mô gan và cơ hoành.
  • Chủ quan ở giai đoạn này sẽ khiến bệnh gan nhiễm mỡ nhanh chóng chuyển biến xấu sang giai đoạn 3 nguy hiểm.

–  Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 3

  • Tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng của gan là biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 3. Bệnh nhân khi đi xét nghiệm sẽ thấy rõ độ lây lan các nhu mỡ tại gan tăng lên nhanh chóng và rõ rệt.
  • Ở giai đoạn này, các biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng,…
  • Đây là giai đoạn nguy hiểm và nặng nhất của gan nhiễm mỡ. Từ đây, bệnh hoàn toàn có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan một cách nhanh chóng nếu không được điều trị đúng cách và kiên trì.

Ngoài ra, người bệnh mắc gan nhiễm mỡ có thể có các biểu hiện rối loạn nội tiết tố xảy ra ở cả nam và nữ. Một số ít trường hợp nam giới mắc bệnh này có thể phát triển tuyến vú, hoặc gặp các vấn đề về cương dương, teo tinh hoàn trong giai đoạn cuối. Nữ giới có thể tăng, giảm cân bất thường, không rõ lý do, hoặc tắc rong kinh, rối loạn kinh nguyệt,…

Khi có các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau nhẹ hạ sườn phải…. bạn cần sớm đi khám tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa gan mật.

5. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ bằng cách nào ?

  • Siêu âm ổ bụng: Là phương pháp nhanh chóng, đơn giản, không xâm lấn, chi phí thấp để chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Nếu nghi ngờ xơ gan có thể siêu âm đo độ đàn hồi gan.
  • Siêu âm đàn hồi gan: Đây là một phương pháp mới sử dụng sóng siêu âm khảo sát đàn hồi của mô gan để xác định độ xơ hóa của gan, được thực hiện bằng máy siêu âm Fibroscan.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra chỉ số Cholesterol, Triglycerid, định lượng men gan AST, ALT, GGT xem có tăng hay không. Nếu nghi ngờ gan nhiễm mỡ tiến triển sang xơ gan, cần xét nghiệm thêm Bilirubin, Albumin, đông máu cơ bản, protein máu
fibroscan sieu am dan hoi gan
Sử dụng máy siêu âm Fibroscan để đo độ đàn hồi mô gan, chẩn đoán gan nhiễm mỡ.

6. Điều trị gan nhiễm mỡ

Thực tế, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lý gan nhiễm mỡ. Hiện nay, các bác sĩ chỉ tập trung điều trị theo nguyên tắc loại bỏ hay giảm thiểu nguyên nhân gây bệnh.

  • Gan nhiễm mỡ do nghiện rượu: ngưng uống rượu.
  • Gan nhiễm mỡ do dư cân, béo phì: phương pháp điều trị thường chú trọng vào việc xây dựng chế độ ăn hợp lý và chế độ tập luyện khoa học giúp giảm cân.
  • Gan nhiễm mỡ do nguyên nhân viêm gan siêu vi: cần tập trung điều trị để kiểm soát tình trạng viêm và hạn chế những diễn tiến bất lợi có thể dẫn đến xơ gan.
  • Gan nhiễm mỡ là hậu quả của các bệnh lý chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường: kiểm soát lượng đường máu trong mức bình thường.
  • Gan nhiễm mỡ do sử dụng thuốc: ngưng ngay các loại thuốc gây độc cho gan và thay thế thuốc an toàn hơn theo chỉ định của bác sĩ.

Cùng với biệc điều trị tập trung vào nguyên nhân gây bệnh, người bệnh gan nhiễm mỡ cũng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian chữa gan nhiễm mỡ như: uống trà lá sen khô, trà khổ qua (mướp đắng), trà nhân trần, nước sắc cà gai leo, cây lô hội, hoa bụp giấm (artiso đỏ),…

Đối với người mắc gan nhiễm mỡ giai đoạn 1 thì có thể áp dụng cách trị gan nhiễm mỡ tại nhà. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2 thì ngoài việc áp dụng cách giảm gan nhiễm mỡ còn cần sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

7. Phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Cách tốt nhất để phòng ngừa gan nhiễm mỡ là bảo vệ lá gan của bạn. Bạn có thể chủ động bảo vệ gan bằng cách:

  • Kiểm soát việc ăn uống và cân nặng;
  • Vận động 30 phút/ngày;
  • Hạn chế thức khuya, giữ tinh thần luôn thoải mái;
  • Đặt ra giới hạn mức bia rượu nạp vào cơ thể. Tốt nhất là không uống rượu bia và các đồ uống có cồn.

8. Kết luận

Một điều may mắn là gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Lá gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục nên nếu bạn điều trị tốt tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan.

Còn nếu bạn là một người hay uống rượu thì ở một mức độ nào đấy, việc ngừng rượu kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học có thể giúp chữa khỏi bệnh gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ là một bệnh phổ biến, ai cũng có thể mắc bệnh, do đó bạn nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Nếu bạn đang điều trị gan nhiễm mỡ, bạn cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi đánh giá tiến triển của bệnh.

 

Tham khảo:

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top