Viêm gan C là một bệnh rất nguy hiểm, có thể lây nhiễm từ mẹ sang con, đặc biệt, bệnh có nguy cơ dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Chính vì vậy mà nhiều chị em đã bị nhiễm virus viêm gan C vô cùng lo lắng, không biết có nên sinh con không? Và liệu đứa trẻ sinh ra có bị nhiễm virus viêm gan C giống như mẹ không? Thắc mắc này của chị em sẽ được giải đáp trong nội dung dưới đây.
1. Tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan C từ mẹ sang con có cao không?
Viêm gan C có thể dễ dàng lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người lành không mang bệnh viêm gan C qua nhiều con đường khác nhau như: lây nhiễm qua đường máu, lây nhiễm qua đường tình dục và lây nhiễm từ mẹ sang con, nhưng tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chiếm tỷ lệ không cao.
Ngoài ra, việc lây truyền còn phụ thuộc vào số lượng virus viêm gan C trong cơ thể người mẹ nhiều hay ít. Vì thế, nếu người mẹ điều trị bệnh viêm gan C tốt thì hoàn toàn có thể sinh con và tỷ lệ con bị nhiễm virus viêm gan C từ mẹ cũng rất thấp.
Đối với bệnh viêm gan C, nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con tăng theo số lượng virus viêm gan C trong máu người mẹ. Tỷ lệ chung là khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với virus viêm gan B (25% khi mẹ có xét nghiệm HBsAg dương tính và trên 90% khi mẹ có xét nghiệm HBeAg dương tính). Khả năng truyền bệnh khi thai ở trong tử cung là rất hiếm. Đa số trường hợp lây ở giai đoạn chu sinh.
Phần lớn những đứa trẻ nhiễm HCV chu sinh thường không có triệu chứng trong lúc còn nhỏ. Khi trẻ lớn hơn, cần xét nghiệm thêm để tìm hiểu ảnh hưởng của nhiễm HCV. Ở những người mẹ bị nhiễm virus viêm gan C mà đồng nhiễm HIV thì nguy cơ đứa con sinh ra cũng bị nhiễm HCV cao hơn nhiều, có thể lên đến 19%.
Bệnh viêm gan C là căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C đặc hiệu.
2. Mẹ nhiễm bệnh viêm gan C có thể cho con bú không ?
Hiện tại, chưa có chứng cứ chứng minh virus viêm gan C (HCV) lây qua đường sữa mẹ, vì thế những người mẹ nhiễm virus viêm gan C hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ như những người chưa mắc bệnh.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng: người mẹ nhiễm HCV không nên cho con bú khi thấy đầu vú bị nứt hoặc chảy máu, tốt nhất nên vắt sữa rồi cho con ăn để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm sang cho đứa trẻ.
3. Làm gì để phòng tránh lây nhiễm viêm gan C từ mẹ sang con ?
Các bác sĩ chuyên khoa gan khuyên người bệnh khi mắc bệnh viêm gan C cần điều trị bệnh trước khi quyết định có thai.
Phụ nữ mang virus viêm gan C cần được đến các trung tâm y tế chuyên khoa để được khám bệnh, chẩn đoán tình trạng bệnh. Nếu như cần được điều trị bệnh thì người bệnh viêm gan C phải điều trị một thời gian bằng thuốc kháng virus để làm giảm nồng độ của virus trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan C từ mẹ sang con.
Trong quá trình mang thai, người mẹ không nên dùng thuốc điều trị viêm gan C mạn tính vì thuốc có ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, thai nhi và trong khi sinh nở. Do vậy khi mang thai, tốt nhất là không dùng thuốc khi không cần thuốc (kể cả những thuốc bổ gan). Đồng thời, người mẹ cần bồi dưỡng, ăn uống đầy đủ, giảm lao động… để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra khi đứa trẻ sinh ra cần được tiêm vacxin viêm gan B trong vòng 24h đầu để hạn chế nguy cơ nhiễm virus viêm gan B sau này.
Nguồn: Phòng khám Gan Tâm Đức
Ủa? Bị viêm gan c sao đẻ con ra lại chích viêm gan b ạ ?
Chích ngừa viêm gan B để phòng ngừa viêm gan B cho bé nha bạn (đây là khuyến nghị đối với tất cả trẻ). Còn về viêm gan C, hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa.