Một chàng trai 25 tuổi người Mỹ phải đeo balo chứa trái tim nhân tạo mang tên Syncardia 24/7 suốt 555 ngày chờ đợi tiến hành phẫu thuật cấy ghép tim. Các bác sĩ rất ngạc nhiên khi đang ở trong tình trạng như vậy mà anh vẫn có thể chơi bóng rổ.
Vào năm 2014, Stan trở thành bệnh nhân đầu tiên ở Michigan sử dụng thiết bị trái tim nhân tạo mang tên “Syncardia”. Stan và em trai là Dominique đều được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim bẩm sinh ở tuổi thiếu niên. Đây là một loại bệnh tim di truyền có thể gây suy tim đột ngột, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở vận động viên.
Sau nhiều năm chờ hiến tạng, hai anh em Stan được các bác sĩ phẫu thuật lấy tim và thay thế bằng thiết bị Syncardia.
“Cả hai đều rất ốm yếu khi chúng tôi gặp họ lần đầu tiên trong phòng chăm sóc đặc biệt”, Jonathan Haft, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép ở Trung tâm tim mạch Frankel thuộc Đại học Michigan, Mỹ, cho biết. “Chúng tôi muốn cấy ghép tim cho họ, nhưng không còn đủ thời gian. Tình trạng của họ khiến những công nghệ khác trở nên bất khả thi”.
Các thiết bị như máy khử rung tim cấy vào cơ thể có thể giúp ích cho trường hợp suy tim một phần, nhưng với Stan Larkin, cả hai bên của tim của anh đều không hoạt động bình thường nên các bác sĩ đã sử dụng thiết bị Syncardia cho anh.
Dominique chỉ cần dùng thiết bị Syncardia trong vài tuần trước khi tiếp nhận cấy ghép. Nhưng Stan phải chờ hơn một năm. Để có thể về nhà thay vì nằm trong bệnh viện, Stan phải đeo ba-lô nặng 6kg chứa thiết bị gắn liền với hệ tim mạch, để bơm dòng máu chứa oxy đi khắp cơ thể.
Chiếc ba-lô gây không ít khó khăn trong sinh hoạt. Stan không thể ôm hay cõng con gái. Nhưng anh vẫn có thể tiếp tục chơi bóng rổ, khiến các bác sĩ hoàn toàn bất ngờ. Stan trải qua ca cấy ghép tim vào ngày 9/5 và đã phục hồi hoàn toàn sau ca phẫu thuật.
Theo báo cáo của Science Daily, trái tim tạm thời phát huy tác dụng khi người bệnh bị suy tim và các thiết bị hỗ trợ tim thông thường hơn không đủ để giữ cho một bệnh nhân sống sót.
Larkin đã chọn không ở lại bệnh viện và quyết định sử dụng một thiết bị có thể đeo được để giữ cho trái tim nhân tạo của anh ấy hoạt động ổn định.
Larkin chia sẻ: “Nó giống như một trái tim thực sự, ngoài việc được đựng trong túi để mang đi khắp mọi nơi như mang sách vở đi học”. Sinh hoạt hàng ngày của anh cũng được chú trọng hơn trước để “trái tim” không bị nhiễm trùng.
“Nó (trái tim nhân tạo SynCardia) đã mang cuộc sống của tôi trở lại và giúp tôi khỏe mạnh như bây giờ”, Larkin nói trong cuộc họp báo của Trung tâm Tim mạch Frankel của Đại học Michigan vào năm 2016.
Theo Science Alert, trái tim nhân tạo giúp bơm máu quanh cơ thể Stan Larkin và giữ cho anh sống sót. Thành công từ quá trình cho thấy thiết bị có thể hữu ích cho những bệnh nhân khác bị suy tim trong khi chờ người hiến tạng.
Nguồn: Theo VnExpress