Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị bệnh co rút Depuytren

Bệnh co rút Dupuytren là gì, có những dấu hiệu gì, chẩn đoán như thế nào và cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng Tổng đài Y khoa tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

hinh anh benh co rut co cung dupuytren
Hình ảnh ngón tay bị co cứng, không thể duỗi ra ở bệnh nhân Dupuytren

1. Tổng quan về bệnh co rút Depuytren

Bệnh co rút Dupuytren gây ra bởi sự xơ hoá tiến triển của lớp cân gan tay. Ban đầu, bệnh nhân có thể có những nốt xơ hoá trên gân cơ gấp của bàn tay, chúng đau tăng khi sờ nắn. Khi bệnh tiến triển, các nốt xơ phát triển, các nhóm sợi xơ dày lên và tạo xơ dính xung quanh gân làm cho mô bên dưới da bàn tay bị siết chặt, gây ra tình trạng ngón tay bị uốn cong về phía bàn tay và giữ nguyên trạng thái như vậy.

Bệnh có thể chỉ xảy ra ở một bàn tay nhưng thường thì cả hai bàn tay đều bị. Ngón đeo nhẫn và ngón út (ngón 4, ngón 5) thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nếu không điều trị đúng cách, theo thời gian, bàn tay sẽ dần khó cử động hơn, các ngón tay có thể bị co cứng vĩnh viễn gây tàn phế… Lớp cân gan tay có thể bị tổn thương phối hợp.

Co cứng Dupuytren được coi như bệnh di truyền và thường xảy ra ở nam giới vùng bắc Scandinavian từ đời này sang đời khác. Bệnh này cũng có thể đi cùng chấn thương ở gan tay, tiểu đường, nghiện rượu, sử dụng barbiturate dài ngày. Bệnh hiếm gặp trước tuổi 40.

hinh anh benh co rut co cung dupuytren
Hình ảnh điển hình của bệnh Dupuytren: ngón tay bị co cứng, không thể duỗi ra được.

2. Dấu hiệu của bệnh co rút Dupuytren

Các dấu hiệu chính của bệnh co rút Dupuytren là:

  • Ở giai đoạn sớm, có thể sờ thấy các nốt xơ nằm dọc theo gân gấp, chúng đau tăng khi sờ nắn. Các nốt này thường bị chẩn đoán thành mụn cóc hay chai.
  • Khi bệnh tiến triển, các nốt xơ phát triển, các nhóm sợi xơ dày lên và tạo xơ dính xung quanh gân, nó gây ra tác động làm các ngón tay gấp vào trong. Người bệnh khó cầm nắm đồ vật.
  • Cuối cùng, bàn tay có thể không duỗi thẳng được.
  • Thường thì bệnh không đau nhưng người bệnh có thể thấy khó chịu khi cố gắng cầm nắm đồ vật. Da trên lòng bàn tay bạn có thể bị nhăn lại.
  • Mặc dù bất kì ngón nào cũng có thể mắc, những hay gặp ở ngón 4 và 5 (Ngón út và ngón đeo nhẫn) là phổ biến hơn cả. Nếu không điều trị, các ngón tay có thể bị co cứng vĩnh viễn. Lớp cân gan tay có thể bị tổn thương phối hợp.
  • Trong một số trường hợp hiếm gặp, gân hoặc các khớp có thể bị viêm và đau.

Bạn có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

not xo hoa benh co rut dupuytren
Nốt xơ hóa trên bàn tay bệnh nhân Dupuytren. Ở giai đoạn sớm, nốt xơ hóa này thường bị chẩn đoán thành mụn cóc hay chai

3. Chẩn đoán bệnh co rút Dupuytren

– Cận lâm sàng

  • Chụp X-quang thường quy được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân có biểu hiện cứng khớp nghi ngờ do bệnh dupuytren. Dựa vào lâm sàng, có thể chỉ định thêm công thức máu, nồng độ acid uric, tốc độ máu lắng, xét nghiệm kháng thể kháng nhân.
  • Cộng hưởng từ được chỉ định nếu thấy bất thường ở khớp hoặc nghi ngờ u. Điện cơ được chỉ định nếu có nghi ngờ hội chứng ống cổ tay hoặc ống thần kinh trụ.

– Lâm sàng

  • Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bằng cách quan sát hình dáng và tìm nốt xơ hóa không đau trong lòng bàn tay. Những nốt xơ hóa này thường cứng và nằm ở tận cùng dải mô chạy từ ngón tay đến lòng bàn tay.
  • Bác sĩ cũng có thể kiểm tra xem bạn có thể duỗi thẳng bàn tay ra trên một mặt phẳng hay không. Nếu không thể duỗi thẳng được, bạn có thể được chẩn đoán đã mắc bệnh co rút Dupuytren.
  • Bệnh co rút Dupuytren dễ dàng chẩn đoán trên lâm sàng, hiếm khi sai. Tuy nhiên, viêm gân gấp hay ngón tay cò súng có thể nhầm với bệnh co rút Dupuytren giai đoạn sớm.

4. Điều trị bệnh co rút Dupuytren

  • Nếu tình trạng của bệnh không nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ đề nghị bạn tập thể dục, tắm nước nóng, tập co giãn bàn tay (vật lý trị liệu) và nẹp ngón tay.
  • Nếu bệnh trở nặng, bạn có thể được tiêm thuốc (collagenase hoặc corticosteroid) vào bàn tay để làm chậm diễn tiến bệnh.
  • Nếu bạn gặp vấn đề đáng kể trong việc sử dụng bàn tay thì bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật. Các mô bàn tay sẽ được tách ra và cắt bỏ bớt. Điều này làm cho các ngón tay quay trở lại tư thế bình thường của chúng, tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái phát.
  • Một phương pháp điều trị khác là xạ trị: Phương pháp này được sử dụng cho trường hợp co rút nhẹ và mô không quá dày. Xạ trị có thể giúp dừng hoặc làm chậm sự dày lên của các mô và thường chỉ được sử dụng một lần.

5. Lời kết

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

TĐYK (TH)

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top