Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị viêm gan C vẫn gặp nhiều thách thức do chi phí điều trị cao, chưa được bảo hiểm y tế chi trả, dịch vụ chẩn đoán và điều trị không sẵn có. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp Sáng kiến tiếp cận Y tế Clinton tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C tại Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm gan vi rút C là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan tại nước ta. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan b và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan gây nên.
Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C tuy nhiên viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C. Hiện tại đã có khoảng 50 loại DAAs khác nhau và cách phối hợp thuốc khác nhau, tỷ lệ khỏi bệnh đã đạt đến trên 95%. Các thuốc thế hệ mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút (direct acting agent –DAA) là những thuốc có hiệu quả cao và có tác dụng với hầu hết các phân nhóm (genotype) và ít độc hơn.
Tuy nhiên, GS. Kính cho hay việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh, chưa được bảo hiểm y tế chi trả, dịch vụ chẩn đoán và điều trị không sẵn có. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C. Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị có thể làm giảm hiệu quả của việc điều trị.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Khánh Phương – Trưởng khoa Kinh tế Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho hay, tính sẵn có của thuốc DAAs bị hạn chế cũng khiến cho số lượng bệnh nhân được điều trị luôn ở mức thấp. Trong gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C, chỉ có hơn 80.000 người được chẩn đoán, gần 35.000 người đủ điều kiện điều trị và 4,5 nghìn người đã điều trị – theo thống kê của WHO năm 2017.
Để đảm bảo có thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan C, TS. Khánh Phương đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đấu thầu các thuốc DAAs mới, bổ sung vào danh mục chi trả BHYT để các địa phương và cơ sở y tế thực hiện; đưa các thuốc này vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán gái thuốc, giảm giá thuốc cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế; xem xét các giải pháp để giá thuốc DAAs bán tại Việt Nam giảm về mức hợp lý.
Theo ước tính, Việt Nam có gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, đưa Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu, đứng thứ 2 Châu Á vì tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan. Trong khi đó, nhận thức của người dân về bệnh viêm gan còn thấp, ít biết về bệnh, dẫn tới bệnh âm thầm diễn biến trong thời gian dài, khi hậu quả xảy ra là xơ gan và ung thư gan mới tới viện, bác sĩ cũng không can thiệp được nhiều nữa.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc viêm gan B và C bằng xét nghiệm máu, không uống rượu… thì việc phòng chống viêm gan mới đạt hiệu quả.
Theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.
Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia tham gia dự án Quick-Start của Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton. Theo đó, dự án đã điều trị được cho 2.018 người bệnh viêm gan C. Trong số những người có kết quả điều trị, tỉ lệ người bệnh điều trị khỏi cao, chiếm 98%; đồng thời dự án cũng đã thành công trong việc phân tuyến điều trị viêm gan C.
Tổng kết dự án, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị tăng cường nhận thức về viêm gan C cho người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ; mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C tới các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố và tuyến quận, huyện để tăng cường tiếp cận với dịch vụ, giảm mất dấu trong quá trình điều trị; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và tư vấn cho người bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế từ xét nghiệm chẩn đoán đến điều trị và theo dõi sau điều trị.
Dương Hải