F1 dù không có triệu chứng gì nhưng được chồng là F0 cho uống Methylprednisolon, paracetamol để phòng bệnh. Mới uống có 1 ngày, F1 đã xuất hiện đau rát ở thượng vị…
Là thành viên trong nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hà Nội, BS. Lê Xuân Thắng, nguyên bác sĩ khoa nội tiêu hoá Bệnh viện Quân y 103 cho biết, thời gian này dịch ở Thủ đô diễn biến phức tạp, F0 liên tiếp tăng cao.
“Có gia đình 4-5 người cùng là F0. Dù thời gian nhóm hoạt động mới được 10 ngày (từ 15/12/2021) nhưng khá nhiều vấn đề mà bác sĩ đã gặp trong quá trình tư vấn.
Đầu tiên đó là người bệnh và gia đình họ rất hoang mang khi test cho kết quả dương tính. Nếu nhiều người cùng bị bệnh, gia đình có trẻ nhỏ, người già, bệnh nền kèm theo, phụ nữ có thai thì họ lại càng hoang mang.
Hiện trạng y tế cơ sở quan tâm cũng có hạn nên họ tìm đến nhóm của các bác sĩ để được tư vấn khi không biết phải làm gì. Chính lẽ đó mà các bác sĩ vừa tư vấn về chuyên môn, vừa động viên về tinh thần để họ bình tĩnh và yên tâm chống dịch cùng y tế”, BS Thắng cho hay.
Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho các bệnh nhân F0, điều BS Thắng và nhóm các bác sĩ hay gặp nhất đó là tình trạng chia sẻ đơn thuốc của các F0 cho nhau dùng, mua các đơn thuốc giống hệt nhau, nhiều người sử dụng, cho cả F1 không có triệu chứng sử dụng chung đề phòng bệnh.
“Chính tâm lý hoang mang, nên họ đã sử dụng không đúng. Đã có trường hợp F1 dùng Methylprednisolon, paracetamol do chồng là F0 hướng dẫn uống cùng dù không có triệu chứng gì, mới uống có 1 ngày đã xuất hiện đau rát ở thượng vị, cồn cào nóng rát”, BS Thắng cho biết.
Sau khi có những biểu hiện như vậy, người phụ nữ này đã gọi điện cầu cứu bác sĩ. Các bác sĩ quân y đã phải hướng dẫn và lưu ý khi dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng sẽ dễ bị các tai biến nguy hiểm.
“Ví dụ như dùng corticoid hay paracetmol có thể gây viêm dạ dày cấp, nặng hơn có thể chảy máu dạ dày”, BS Xuân Thắng cảnh báo.
Bác sĩ cũng lưu ý, đa phần chúng ta đã tiêm đủ mũi vắc xin nên khi nhiễm bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những trường hợp có thể cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ y tế thì cần theo dõi sức khoẻ, sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng là chủ yếu theo các túi thuốc A,B,C đã khuyến cáo và được cấp theo chương trình.
“Mọi người không nên tự mua thuốc tại các nguồn trôi nổi, không rõ ràng, không có khuyến cáo sử dụng tại Việt Nam để tự điều trị theo truyền tai, mách nhau, tránh tiền mất mà xử trí sau này còn vất vả hơn.
Đặc biệt lưu ý không lạm dụng các thuốc corticoid/paracetamol vì có nguy cơ biến chứng trên đường tiêu hoá, chỉ sử dụng khi có chỉ định và ý kiến của các bác sĩ”, BS Thắng khuyến cáo.
Ngoài ra, điều khiến các bác sĩ lo ngại là trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều gia đình đã lùng mua và tích trữ trữ các loại thuốc (đa phần là thuốc kháng virus với nhãn hiệu bên ngoài ghi chữ Nga).
“Đó là sự lãng phí không cần thiết vì nhiều khi người cần thì không có, người có lại không cần. Tất cả các thuốc đều cơ bản và hầu như hiệu thuốc nào cũng có nên chúng ta yên tâm. Những thuốc này đều có trong các túi thuốc mà y tế cơ sở cung cấp đến tận tay F0.
Cho nên chúng ta không cần phải tích trữ, chỉ cần tuần thủ theo hướng dẫn của y tế là được. Chúng ta cần dùng thuốc đúng và hợp lý khi có chỉ định, tránh lãm dụng thuốc có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm”, BS Thắng nhấn mạnh.
Theo đó, vị bác sĩ này khuyến cáo, người dân trong giai đoạn hiện nay chỉ cần thực hiện tốt theo khuyến cáo Bộ y tế để phòng bệnh lây lan mạnh và rộng hơn.
“Ngoài ra, vật dụng cần thiết là khẩu trang, sát khuẩn y tế rất hữu ích trong việc phòng bệnh. Đặc biệt hạn chế tụ tập, ăn uống đông người vì đó là môi trường dễ lây nhất”, BS Thắng lưu ý.
N. Huyền
Nguồn: vietnamnet.vn