Hành lang thành nơi điều trị người sốt xuất huyết nặng

Hai bệnh viện tuyến cuối là Bệnh Nhiệt đới và Nhi đồng Thành phố phải kê thêm giường vì số ca nhập viện, trở nặng tăng 2-4 lần so với năm ngoái.

benh nhan nam hanh lang chua dich sot xuat huyet
Bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm hành lang vì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quá tải. Ảnh: Thư Anh

Đầu tuần, dọc hành lang Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có khoảng 10 bệnh nhân sốt xuất huyết đang nằm trên các giường kê thêm. Luồng gió phả ra từ những chiếc quạt điện chạy hết công suất chỉ có thể giảm chút oi bức mùa hè. Phía trong buồng bệnh, không khí dễ chịu hơn, song cũng chật kín bệnh nhân và người nhà, chỉ chừa ra khoảng trống vừa khít một người đi.

Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán chồng, chị Vũ Ngọc Ninh, ngụ Bình Phước, cho biết anh Lê Thanh Sang, 41 tuổi, chồng chị bị sốt xuất huyết ngày thứ 6. Chiều 27/6, anh được Bệnh viện huyện Bù Đốp chuyển tới đây vì tiểu cầu giảm sâu – dấu hiệu bệnh có thể trở nặng. Khi làm thủ tục nhập viện, anh chị được thông báo bệnh viện hết giường, phải nằm ngoài hành lang.

“Các y bác sĩ rất chu đáo, họ chủ động cho chúng tôi mượn quạt và thăm khám thường xuyên. Miễn là có chỗ để điều trị, nóng một chút cũng không sao”, chị Ninh nói.

Khoa Nhiễm D trước đây chuyên thu dung F0, nay dịch sốt xuất huyết chiếm ưu thế, đơn vị một lần nữa chuyển công năng. Toàn khoa có 40 giường bệnh, nay phục vụ 60 bệnh nhân.

Đặc biệt, Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (ICU) chỉ có 22 giường nhưng phải “gánh” 32 bệnh nhân, trong đó 10 ca sốt xuất huyết. Trước đây, bệnh nhân khi tái sốc (chuyển nặng) sẽ được chuyển từ khoa thường tới ICU, nay chỉ trường hợp tái sốc kèm đặt nội khí quản, thở máy mới được chuyển, còn lại hội chẩn và điều trị tại chỗ.

“Chúng tôi đang cố kham, nhưng nếu số ca còn tăng nữa e rằng sẽ khó chống đỡ”, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nói.

Đến hết ngày 27/6, cơ sở này có 739 bệnh nhân, trong đó 394 ca sốt xuất huyết, chiếm 53%. Chỉ tiêu 550 giường, song bệnh viện phải kê thêm gần 200 giường, đồng thời huy động gần như tất cả các khoa cùng tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc, cho hay từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận hơn 4.500 lượt khám ngoại trú và hơn 2.000 ca nội trú, gấp đôi so với năm ngoái. Cơ sở này đang điều trị cho 130 bệnh nhi sốt xuất huyết, số mắc mới tăng cao mỗi ngày, không có dấu hiệu giảm. Khoa Nhiễm, chịu trách nhiệm điều trị mặt bệnh này, đã không tiếp nhận bệnh nhân mới nhiều tuần nay. Phòng cấp cứu của khoa có 8 giường, hiện điều trị 12 bệnh nhi. Bệnh viện phải huy động thêm Khoa Cấp cứu, Hồi sức và Nội tham gia cuộc chiến.

“80% bệnh nhi được chuyển tới từ các tỉnh miền Tây, miền Đông cho thấy họ cũng đã quá tải, không riêng TP HCM”, bác sĩ Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dịch sốt xuất huyết ở TP HCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới. Số ca mắc hiện nay đã bằng đỉnh dịch năm 2019. Như vậy, nếu không kiểm soát tốt tình hình trong thời gian tới, hệ thống điều trị, nhất là các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, 2, Thành phố và Bệnh Nhiệt đới có nguy cơ quá tải rất cao.

Lý giải nguyên nhân quá tải, bác sĩ Dũng cho rằng, phía Nam có ba bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em nhưng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận cả người lớn và trẻ em. Trong khi năm nay, số ca bệnh người lớn tăng đột biến, khiến áp lực càng tăng. Ngoài ra, ca bệnh nặng trên toàn miền Nam đổ dồn về đây do một số cơ sở tuyến dưới không đủ năng lực điều trị, hoặc đủ năng lực nhưng không có cao phân tử, thuốc vận mạch cho trường hợp sốc, tái sốc.

Riêng với Nhi đồng Thành phố, bệnh viện nằm cạnh đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, thuận tiện cho bệnh nhi các tỉnh miền Tây lên khám chữa bệnh hơn các bệnh viện trong nội đô.

Không chỉ quá tải bệnh nhân, Nhi đồng 1 và Nhi đồng Thành phố còn đối mặt với việc thiếu thuốc điều trị cho các trường hợp sốt xuất huyết nặng, như dịch truyền cao phân tử Dextran và HES 200.000 dalton, thuốc vận mạch dopamin. Để “chữa cháy”, bệnh viện phải dùng các loại khác thay thế, như HES 130.000 daltol và adrenaline (thay dopamin) nhưng phải tính toán lại liều lượng để phù hợp với bệnh và thể trạng trẻ. “Hiệu quả điều trị không thể tốt bằng thuốc trong phác đồ”, bác sĩ Tiến nói.

Để giảm áp lực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ ngưng tiếp nhận bệnh nhi sốt xuất huyết, chuyển các ca này tới ba bệnh viện chuyên khoa nhi, dành toàn bộ giường cho người lớn. Ngoài ra, thứ trưởng Sơn đề nghị các bệnh viện tuyến trên tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực điều trị cho bệnh viện tuyến dưới. Như vậy, các ca sốt xuất huyết nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo, thậm chí vào sốc lần một sẽ điều trị tại đây với sự hội chẩn từ xa của chuyên gia đầu ngành, không chuyển tuyến.

Bác sĩ Tiến cũng cho rằng cần tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế tư nhân, giúp y bác sĩ chẩn đoán sớm sốt xuất huyết, điều trị tại chỗ. Quan trọng hơn là giúp nhận biết sớm dấu hiệu trở nặng để xử trí cấp cứu, chuyển viện kịp thời, tránh chẩn đoán nhầm, bệnh nhân mất cơ hội vàng điều trị.

Đặc biệt, muốn số ca nhập viện do sốt xuất huyết giảm thì số ca mắc ngoài cộng đồng phải giảm. Để làm được điều này, chuyên gia khuyến cáo cần diệt tác nhân gây bệnh là muỗi vằn, bằng cách mỗi gia đình, trường học, quán ăn, công sở… phải chủ động dọn dẹp các vật chứa nước, tránh muỗi vằn sinh sôi gây bệnh.

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top