Hiến tiểu cầu là gì ?

Bạn đã nghe và có lẽ đã rất quen với việc hiến máu, tuy nhiên, hiến hiến tiểu cầu là gì – Bạn biết gì về điều này? Nếu bạn chưa biết về hiến tiểu cầu, nội dung dưới đây sẽ giúp bạn sáng tỏ.

hiến tiểu cầu là gì quy trình hiến tiểu cầu
Khoảng các tối thiểu giữa 2 lần hiến tiểu cầu là 01 tháng.

1. Tiểu cầu là gì?

Máu là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương.

  • Huyết tương gồm nhiều thành phần như kháng thể, yếu tố đông máu, các chất dinh dưỡng, …
  • Hồng cầu: vận chuyển oxy (chiếm khoảng 96%).
  • Bạch cầu: một phần quan trọng của hệ miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt các tác nhân gây nhiễm trùng và phát động đáp ứng miễn dịch của cơ thể (chiếm khoảng 3%).
  • Tiểu cầu: là tế bào nhỏ nhất trong máu. Tiểu cầu tham gia quá trình đông cầm máu (chiếm khoảng 1%). Trong trường hợp vết thương nhỏ, tiểu cầu nhanh chóng tạo nút tiểu cầu bịt kín nơi chảy máu và khởi động chuỗi phản ứng đông cầm máu. Người bình thường có khoảng 150.000 – 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu.

2. Hiến tiểu cầu là gì?

Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu là phương pháp chiết tách tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương, còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến.

Hiện nay, người ta có thể dùng các máy chiết tách tế bào máu chuyên dùng chỉ lấy một loại tế bào máu cần thiết, còn các tế bào máu khác thì trả lại người hiến máu được thực hiện trên cùng một thời điểm.

Khi hiến tiểu cầu bằng máy thì máy chỉ lấy tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương (để pha loãng tiểu cầu), còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến. Với mỗi lần hiến, số lượng tiểu cầu được lấy là 3×1011 (tương đương 300 tỉ tiểu cầu) và khoảng 200ml huyết tương, còn số lượng hồng cầu hầu như không thay đổi trước và sau khi hiến tiểu cầu.

Số lượng tiểu cầu mất khoảng 20% số lượng tiểu cầu so với ban đầu. Nghĩa là theo tiêu chuẩn hiến tiểu cầu bằng máy, người hiến tiểu cầu phải có số lượng tiểu cầu hơn 200.000 tiểu cầu/mm3. Sau khi lấy, tiểu cầu của người hiến còn 160.000-170.000 tiểu cầu/mm3. Số lượng tiểu cầu này vẫn ở giới hạn của một người bình thường (150.000-300.000 tiểu cầu/mm3) hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến số lượng tiểu cầu của bạn.

Tuy nhiên, do chiết tách bằng máy có những yêu cầu riêng nên người hiến tiểu cầu phải được khám và có những tiêu chuẩn chọn lựa riêng. Nếu bạn là người khỏe mạnh được khám và chọn hiến tiểu cầu, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về sức khỏe sau khi hiến.

Hồng cầu có đời sống 120 ngày nên khoảng cách giữa hai lần hiến máu toàn phần là 3-4 tháng phù hợp với sự tái tạo sinh lý. Tiểu cầu có đời sống 8-12 ngày. Bình thường mỗi ngày có khoảng 75.000 tiểu cầu mới được thành lập. Như vậy các tiểu cầu trong máu sẽ được đổi mới hoàn toàn trong vòng 4 ngày. Tiểu cầu già được thay thế bằng những tiểu cầu mới một cánh nhanh chóng theo chu kỳ sinh lý máu của người bình thường. Do vậy việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng đến tiểu cầu ngay tại lúc lấy cũng như số lượng tiểu cầu sau này của bạn do cơ thể cứ đều đặn sản sinh tiểu cầu mới hằng ngày, dù bạn có hiến tiểu cầu hay không.

Ở Việt Nam, quy chế truyền máu năm 2007 quy định rõ khoảng cách giữa hai lần hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách là một tháng. Đó là do các chuyên gia tính toán điều kiện kinh tế, tập quán ăn uống, mức sống của người dân Việt Nam; nếu theo tiêu chuẩn như châu Âu hoặc Mỹ (hiến hai tuần/lần) có thể ảnh hưởng đến lượng protein trong huyết tương dùng để pha loãng tiểu cầu mỗi lần lấy tiểu cầu, mặc dù điều này rất hiếm xảy ra.

3. Hiến tiểu cầu có hại cho sức khỏe không?

Hiến tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ không có hại, lượng tiểu cầu lấy ra khỏi cơ thể sẽ được cơ thể tái tạo lại đầy đủ trong vòng 5 – 7 ngày.

4. Hiến tiểu cầu có bị nhiễm các virus lây qua đường máu không?

Hiến tiểu cầu hoàn toàn an toàn, vì mỗi người hiến sử dụng một bộ kit riêng, quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng, mỗi người hiến xong, bỏ bộ lọc đã sử dụng.

5. Ai có thể hiến tiểu cầu?

  • Người đã từng hiến máu và tự nguyện hiến tiểu cầu. Cần đáp ứng các yêu cầu sau:
  • Cân nặng ≥ 50kg.
  • Số lượng tiểu cầu > 200.000 tiểu cầu/mm3 máu.
  • Khoảng thời gian giữa 2 lần hiến tiểu cầu tối thiểu là 4 tuần.

6. Quy trình hiến tiểu cầu

Bạn cần đăng ký xét nghiệm máu trước khi hiến tiểu cầu. Việc này được thực hiện trong vòng 30 phút. Nếu bạn đủ điều kiện hiến tiểu cầu, đơn vị hiến máu sẽ liên lạc với bạn và sắp xếp thời gian hiến tiểu cầu (có thể trong ngày hoặc một hoặc hai ngày sau).

Chu trình hiến tiểu cầu gồm 3 bước:

  • Bước 1: Lấy máu từng đợt, máu được đưa trực tiếp vào kit lọc để chiết tách tế bào.
  • Bước 2: Máy ly tâm sẽ vận hành bộ kit lọc để chiết tách các thành phần máu và giữ lại thành phần cần lấy (tiểu cầu, huyết tương để pha loãng tiểu cầu). Mỗi người hiến sẽ có một bộ kít lọc riêng biệt và chỉ sử dụng chúng một lần duy nhất từ khi sản xuất để đảm bảo an toàn.
  • Bước 3: Truyền trả lại những thành phần khác (hồng cầu, bạch cầu, huyết tương) cho người hiến máu. Tiếp tục lấy máu để chiết tách cho đợt tiếp theo và cứ tiếp tục lập lại chu trình trên cho đến khi đạt 3.1011 tiểu cầu và 200ml huyết tương. Sau khi lấy, tiểu cầu của người hiến còn 160.000-170.000 tiểu cầu/mm3. Số lượng tiểu cầu này vẫn ở giới hạn của một người bình thường (150.000-300.000 tiểu cầu/mm3) hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến số lượng tiểu cầu của bạn.

Đây là chu trình hoàn toàn khép kín. Thời gian hiến: kéo dài khoảng 60-90 phút.

7. Chuẩn bị như thế nào để hiến tiểu cầu cho tốt?

  • Đêm trước ngày hiến tiểu cầu không thức khuya, ngủ đủ giấc.
  • Không uống sữa, rượu, bia trước khi hiến tiểu cầu.
  • 4 giờ trước khi hiến tiểu cầu: ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ).
  • Chuẩn bị tâm lý ổn định thoải mái.
  • Xin vui lòng mang theo giấy chứng minh nhân dân và 02 hình 3 x 4 khi đi hiến tiểu cầu.

8. Chăm sóc sau khi hiến tiểu cầu như thế nào?

  • Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.
  • Hạn chế các hoạt động gắng sức đòi hỏi nhiều thể lực như: bóng đá, tập thể hình, leo trèo,…
  • Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng sữa.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến tiểu cầu.

Tổng đài Y khoa

5/5 - (1 vote)

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top