☰ MỤC LỤC
- Khàn tiếng là một bệnh thường gặp và gây ảnh hưởng không nhỏ tới giao tiếp, công việc của người bệnh. Vậy vì sao lại bị khàn tiếng và cách điều bệnh này như thế nào? Mời Quý vị cùng Tổng đài Y khoa cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Khàn tiếng là một bệnh thường gặp và gây ảnh hưởng không nhỏ tới giao tiếp, công việc của người bệnh. Vậy vì sao lại bị khàn tiếng và cách điều bệnh này như thế nào? Mời Quý vị cùng Tổng đài Y khoa cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Khàn tiếng là gì?
Khàn tiếng là hiện tượng giọng nói bị thay đổi âm sắc, giọng nói của bạn sẽ không được trong và mượt như bình thường mà tiếng nói sẽ bị rè, giọng nói thều thào… thậm chí mất tiếng.
Khàn tiếng có thể là hậu quả của việc thanh quản bị viêm (viêm thanh quản). Bệnh khàn tiếng thường chỉ kéo dài một vài ngày nhưng nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài trong một vài tuần thì bạn phải xem xét cẩn thận hơn, thậm chí bạn cần phải đến gặp bác sĩ để tìm hiểu rõ tình trạng bệnh của mình.
2. Vai trò của thanh quản và tình trạng khàn tiếng
Thanh quản đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên giọng nói, giúp con người có thể giao tiếp, truyền đạt thông tin với nhau. Nhờ có cử động của lồng ngực, tạo nên luồng không khí từ phổi, phế quản đi lên trong khi thở ra, khi đi qua chỗ khe hẹp là khe thanh môn sẽ làm rung động dây thanh và tạo ra âm thanh.
Các âm thanh trầm hoặc bổng phụ thuộc độ căng nhiều hay ít của dây thanh. Âm thanh từ thanh quản đi lên qua họng, hốc mũi, các xoạng cạnh mũi, màn hầu, lưỡi, hốc miệng và môi sẽ trở thành giọng nói. Thanh quản, hốc miệng, hốc mũi đặc biệt là các xoang cạnh mũi là những bộ phận cộng hưởng âm và tạo nên âm sắc của giọng nói. Do vậy, khi có bất thường ở các bộ phận này thì đều có ảnh hưởng tới giọng nói.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên giọng nói khàn đó là khi có sự rung động không bình thường của các dây thanh, khi có tăng hoặc giảm một cách bất thường của luồng không khí đi qua thanh môn gây nên tăng tiếng ồn hơn là âm thanh rõ, hay do bất thường về cử động của dây thanh… Những bất thường ở thanh quản như viêm thanh quản, phù nề thanh quản, tổn thương thanh quản có hồi phục hoặc không hồi phục, u nhú thanh quản…
2. Một số nguyên nhân gây khàn tiếng
Nguyên nhân gây nên tình trạng khàn tiếng có thể do viêm, phù nề niêm mạc họng, thanh quản, tổn thương niêm mạc thanh quản hay do u nhú gây bất thường cử động của dây thanh. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến gây khàn tiếng:
– Viêm amidan cấp, mạn tính
- Là bệnh lý thường gặp ở nước ta, ở cả người lớn và trẻ em gây phù nề, sung huyết hai amidan. Nguyên nhân hay gặp là do nhiễm trùng thường là liên cầu, tụ cầu…đặc biệt là lọa liên cầu tan huyết β nhóm A rất nguy hiểm; ngoài ra còn có các nhiễm trùng đường hô hấp trên như cúm, sởi… Các yếu tố thuận lợi như nhiễm lạnh, cơ thể suy nhược, các vi khuẩn và virus có sẵn trong họng trở thành các yếu tố gây bệnh.
- Các yếu tố kích thích như thuốc lá, rượu, bụi, hóa chất cũng là các yếu tố gây bệnh. Với các biểu hiện sốt, đau họng, cảm giác khô nóng họng, mệt mỏi, kém ăn, ho, giọng nói có thể thay đổi như khàn tiếng,…
– Viêm thanh quản cấp tính
Là viêm cấp tính niêm mạc thanh quản, hiếm gặp khu trú mà thường lan rộng, phối hợp với viêm mũi – họng cấp hay viêm khí phế quản cấp. Thường gặp khi thay đổi thời tiết và vào mùa lạnh, khởi đầu là viêm mũi – họng, sốt nhẹ, mệt mỏi, khô rát họng, chảy nước mũi, ngạt tắc mũi. Sau đó là khàn tiếng ngày càng rõ, có khi mất tiếng, cảm giác ngứa rát hoặc kích thích như kim châm ở thanh quản gây nên ho, có khi ho từng cơn, lúc đầu ho khan sau ho có đờm hay nhầy mủ.
– Viêm thanh quản mạn tính
Là viêm mạn tính niêm mạc thanh quản, thường đưa tới khàn tiếng, mất tiếng, thường đi đôi với các tổn thương chức năng ở thanh quản. Nguyên nhân thường do nghề nghiệp như phải sử dụng nhiều đến giọng nói; tiếp xúc với các loại hơi hóa chất kích thích; nghiện thuốc lá; thời tiết lạnh ẩm; do viêm mũi – viêm xoang mạn tính chảy mủ xuống gây kích thích thanh quản,…
– Papilloma thanh quản
Thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Ở trẻ em, triệu chứng khàn tiếng thường kéo dài, khó thở tùy theo khối u che lấp một phần hay toàn bộ thanh môn mà gây khó thở ít hoặc nhiều. Với người lớn, khối u luôn khu trú và thường ở một bên nên chỉ gây khàn tiếng, khó phát âm mà không hoặc ít gây khó thở.
– Hạt xơ dây thanh
Thường gặp ở phụ nữ, suy nhược dây thanh do nói nhiều, bị kích thích hoặc rối loạn nội tiết với các triệu chứng chính là khàn tiếng, lúc đầu chỉ xuất hiện khi nói nhiều, mệt, sau khàn thường xuyên. Thường là 1/3 dưới hay 2/3 sau của 2 dây thanh ở bờ trong có nhú lên một hạt nhỏ, màu trắng, đối xứng nhau.
– Polyp thanh quản
Là một u nhỏ ở dây thanh, nằm ở mặt trên hay bờ trong, u bằng hạt tấm có khi bằng hạt đậu xanh. Polyp gây biến đổi giọng nói, khàn giọng, có khi là giọng đôi nếu polyp to.
– Viêm thanh quản đặc hiệu
Như viêm thanh quản do lao, giang mai thanh quản, nấm thanh quản đều là những bệnh lý gây nên tình trạng khàn tiếng.
– Ung thư thanh quản
Phần lớn ung thư thanh quản là ung thư biểu mô Malpighi biệt hóa nhiều hay ít tế bào gai. Thường gặp ở 3 thể: thể tăng sinh bề ngoài giống như u nhú, một số ít giống polyp có cuống; thể thâm nhiễm là thể hay gặp nhất phát sinh từ niêm mạc thanh quản rồi thâm nhiễm xuống phía dưới làm cho niêm mạc bị đẩy phồng lên và thanh quản di động bị hạn chế; thể loét thường bờ không đều chạm vào dễ chảy máu. Nhưng thường gặp nhất là thể hỗn hợp vừa loét vừa thâm nhiễm hay vừa loét vừa tăng sinh. Với các triệu chứng như khàn tiếng kéo dài, khó thở, nuốt đau, ho.
3. Phương pháp điều trị khàn tiếng
Việc điều trị bệnh khàn tiếng tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh mà có hướng điều trị thích hợp. Chủ yếu xử trí theo nguyên nhân gây nên tình trạng khàn tiếng.
– Điều trị tại chỗ thanh quản
- Xông hơi ở họng với nước nóng và tinh dầu, thuốc.
- Khí dung thường được áp dụng rộng rãi, có thể để ống khí dung qua đường mũi, miệng, hay qua mặt nạ úp che mũi miệng. Bệnh nhân cần thở sâu, dài để thuốc vào thanh quản. Thuốc được sử dụng tùy theo yêu cầu điều trị, thường khí dung với dung dịch kháng sinh, corticoid.
- Chấm thuốc thanh quản: thực hiện như soi thanh quản, thêm một que quấn chặt bông, que bông đã có thuốc kháng sinh, dung dịch corticoid,… đưa bông thuốc chấm vào đúng tầng thanh môn, trên mặt 2 dây thanh.
- Bơm thuốc vào thanh quản: Cũng thực hiện như chấm thuốc thanh quản nhưng thay bông bằng kim tiêm, bơm thuốc nhanh lên mặt 2 dây thanh.
– Thuốc uống điều trị khàn tiếng
- Chủ yếu là dùng kháng sinh diệt khuẩn.
- Điều trị bằng thuốc giảm viêm, chống phù nề.
- Nâng cao thể trạng dùng vitamin C, B.
3.3. Điều trị bằng phẫu thuật
- Lấy bỏ tổn thương, giả mạc.
- Lấy bỏ khối u gián tiếp hoặc trực tiếp.
- Cắt bỏ dây thanh , cắt bỏ thanh quản một phần hay toàn phần…
4. Hỗ trợ điều trị
Để giúp việc điều trị mang lại kết quả tốt nhất, người bệnh nên thực hiện một số điều sau:
- Nghỉ ngơi, hạn chế nói, nói nhẹ.
- Giữ ấm cổ, chân về mùa lạnh.
- Xông hơi nóng với tinh dầu thơm.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích, khói, bụi, hơi hóa chất.
5. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hoặc nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Do cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người, bác sĩ sẽ có phương pháp chẩn đoán, điều trị và cách xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn: Bệnh Viện Thánh Mẫu