Mùa sốt xuất huyết, cứ thấy mệt là truyền dịch coi chừng mất mạng

Nhiều người quan niệm cứ mệt là truyền dịch, đây là quan điểm sai lầm. Lạm dụng truyền dịch có thể gây sốc phản vệ, suy tim,… Dịch cũng là một loại thuốc, phải có chỉ định của bác sĩ. Đã có người bệnh sau truyền dịch bị tử vong, khi xét nghiệm cho kết quả dương tính sốt xuất huyết.

truyen dich tai nha truyen nuoc bien tai nha
Dịch truyền cũng là một loại thuốc, phải có chỉ định của bác sĩ.

Truyền dịch bất chấp

Đánh vào tâm lý lo ngại của người dân, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, một số nơi vẫn quảng cáo rầm rộ về các dịch vụ truyền dịch có công dụng thần kỳ.

Trên Facebook nở rộ quảng cáo dịch vụ truyền dịch tại nhà. Các trang này cam kết với khách hàng có thể truyền tất cả các loại dịch như: nước biển, vitamin, hạ sốt… cho các bệnh như: sốt xuất huyết, viêm phế quản, bệnh lý gầy yếu, chóng mặt, đau đầu… phục vụ 24/24 với giá từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng.

Các nơi này cam kết với khách hàng có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhưng khi hỏi đến bằng cấp, chuyên môn, địa chỉ thì khách hàng chỉ nhận được trả lời qua loa và cho biết chỉ làm tại nhà, không phải cơ sở.

Thông qua một trang Facebook có tên là “Dịch vụ truyền dịch tại nhà TP.HCM – 093xxxxxxx” chúng tôi hỏi về dịch vụ truyền dịch, nhân viên tư vấn cho biết có đủ loại để truyền. Mặc dù cho biết bệnh nhân đã sốt 2 ngày không thuyên giảm, có thể trạng gầy yếu, suy nhược nhưng nhân viên này vẫn cam kết “truyền xong là khỏe”.

“Không cần biết là sốt do sốt xuất huyết, đủ cân nặng, chiều cao hay không em đều có thể truyền được. Nếu sốt lâu mà không giảm chị sẽ cho em truyền 3 loại bao gồm: hạ sốt, nước biển và vitamin với giá 900.000 đồng/lần”, người này tư vấn.

Tương tự, tại Hà Nội gần đây đang có dịch cúm A, các trang Facebook cũng liên tục đăng bài quảng cáo, nhiều người tự xưng là dược sĩ cũng nhận truyền dịch tại nhà. “Em bị cúm nếu không truyền sẽ lâu hồi phục hơn, truyền vào cơ thể mới có đủ chất”, người tự xưng là dược sĩ trên mạng xã hội tư vấn.

Biến chứng nguy hiểm tính mạng

Mới đây, thanh tra Sở Y tế TP.HCM yêu cầu phòng khám đa khoa V.P. tại quận Bình Tân tạm ngưng hoạt động để điều tra, làm rõ nguyên nhân một phụ nữ tử vong tại đây. Cụ thể, tại đây bệnh nhân T.T.H. (28 tuổi) bị sốt, đau đầu, đến thăm khám có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.

Để xử trí, phòng khám đã truyền dịch, ngay sau đó chị H. đột ngột chuyển nặng và được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa hồi sức – nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết tại bệnh viện thời gian qua có tiếp nhận, điều trị một số bệnh nhân nguy kịch do truyền dịch, tiêm thuốc tại phòng khám tư.

Điển hình, một bệnh nhi 7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được. Người nhà cho biết bệnh nhi sốt ngày thứ nhất, gia đình có liên hệ bác sĩ quen đến khám. Bác sĩ chẩn đoán nghi sốt xuất huyết và tiêm 2 mũi thuốc vào mông.

Tuy nhiên, ngày thứ 3 của bệnh, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân. Tại bệnh viện, bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực và đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, năm 2019 tại Hà Nội, cháu bé 2 tuổi (trú quận Long Biên) tử vong sau khi truyền dịch ở phòng khám tư. Cháu bé được đưa đến phòng khám này khám với biểu hiện sốt, tiêu chảy và được chỉ định truyền dịch.

Tuy nhiên, sau khi truyền dịch được khoảng 15 phút, cháu bé có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ, dù đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang để cấp cứu nhưng cháu bé đã không qua khỏi. Sau khi điều tra sự việc, được biết phòng khám tư trên không được phép thực hiện truyền dịch.

Không được tự ý truyền dịch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) – cho biết mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể.

“Hiện nhiều người “cứ mệt” là truyền dịch và thông thường sẽ được tư vấn truyền nước biển, vitamin, đạm. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần truyền dịch và không phải ai cũng được phép thực hiện truyền dịch. Hiện đã có quy định rất rõ về việc quy định các cơ sở, bác sĩ được phép truyền dịch. Chỉ có bác sĩ được cấp chứng chỉ bác sĩ gia đình mới được phép truyền dịch tại nhà”, bác sĩ Hoàng cho hay.

Bác sĩ CKI Hồ Quang Đại – khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho biết bệnh nhân sốt xuất huyết nếu tự ý truyền dịch mà không có chỉ định của bác sĩ, không có phác đồ sẽ rất có hại.

Dịch truyền cho người bệnh sốt xuất huyết có nhiều loại dịch tinh thể, cao phân tử… do đó phải có chỉ định của bác sĩ. Khi người bệnh sốt xuất huyết rơi vào trạng thái nặng phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá mức độ nặng, các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Trước khi truyền dịch phải khám, xét nghiệm…

Bác sĩ Hoàng cho biết trước khi truyền dịch cần phải khám tim, phổi, đo mạch… xem tim có khỏe. Với những người có vấn đề về tim mạch việc truyền dịch rất nguy hiểm, có thể xảy ra biến chứng suy tim, dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, trước khi truyền dịch nên xét nghiệm công thức máu. Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Đối với những bệnh lý thông thường thì người bệnh nên bổ sung các dưỡng chất bằng đường ăn uống. Như vậy, không chỉ giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh mà còn tránh được nguy cơ có thể gặp phải khi truyền dịch.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top