Theo Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, khoa hồi sức tích cực – chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp một bệnh nhi là bé trai 15 tuổi, trong tình trạng hôn mê sâu. Bác sĩ nhận định khả năng lớn nhất là em bị ngộ độc phospho hữu cơ qua da hoặc qua đường hô hấp trong thời gian dài.
Bệnh nhi được chuyển đến từ một bệnh viện ở tỉnh Hậu Giang trong tình trạng hôn mê sâu, phải bóp bóng thở nội khí quản. Người nhà cho biết trước đó bé trai đột ngột sùi bọt mép, co giật toàn thân, tiết đàm nhớt nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
Tại khoa hồi sức tích cực – chống độc, bệnh nhi được điều trị chống sốc ngay đồng thời kết hợp các biểu hiện bên ngoài với các kết quả xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm men Cholinestease giảm, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngộ độc phospho hữu cơ nặng và khó chẩn đoán.
Do dịch rửa dạ dày không có mùi thuốc trừ sâu, đồng thời qua khai thác từ gia đình, bé trai là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học, không có ý định tự tử cũng không phải uống nhầm thuốc trừ sâu…
Bác sĩ nhận định khả năng lớn nhất là em bị ngộ độc phospho hữu cơ qua da hoặc qua đường hô hấp trong thời gian dài vì trong nhà em có chứa khá nhiều loại hóa chất bảo vệ thực vật (trong đó có thuốc trừ sâu nhóm phospho hữu cơ).
Có thể trong quá trình bảo quản và sử dụng không đúng cách, bé trai tiếp xúc và bị độc chất tích tụ.
Sau khi điều trị chống sốc, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho bé theo hướng ngộ độc phospho hữu cơ, sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu bên cạnh các điều trị hỗ trợ khác. Bệnh nhi tỉnh táo dần, cai máy thở, các chỉ số xét nghiệm dần trở về bình thường và sau đó được xuất viện.
Bác sĩ Bùi Duy Anh – khoa hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ – cho biết chất độc tích tụ từ ngày này qua ngày khác gây nên tình trạng ngộ độc nguy hiểm.
Theo bác sĩ, có nhiều loại độc chất gây ngộ độc cho con người không chỉ thông qua đường uống.
Đặc biệt đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh (trong đó có nhóm phospho hữu cơ) có thể gây ngộ độc khi tiếp xúc trực tiếp do ngấm qua da, hít phải qua đường hô hấp…
“Đặc biệt đối với trẻ em, nguy cơ ngộ độc càng cao. Vì vậy khuyến cáo người dân không nên chủ quan, không cho trẻ đến gần nơi lưu giữ và khu vực xịt thuốc bảo vệ thực vật; cần có kho bảo quản hóa chất riêng biệt có khóa và ngăn cách với khu nhà ở; đồng thời khi phun xịt thuốc cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ” – bác sĩ Duy Anh nhấn mạnh.
Nguồn: T.LŨY (Báo Tuổi Trẻ Online)