☰ MỤC LỤC
- Khi tìm kiếm trên internet, bạn sẽ thấy có rất nhiều thông tin về bệnh viêm gan C. Tuy nhiên, các thông tin, kiến thức về bệnh viêm gan C thường rời rạc, từ nhiều nguồn khác nhau. Để hiểu đầy đủ và hiểu sâu hơn về bệnh viêm gan C, mời Quý vị hãy cùng theo dõi nội dung dưới đây.
Khi tìm kiếm trên internet, bạn sẽ thấy có rất nhiều thông tin về bệnh viêm gan C. Tuy nhiên, các thông tin, kiến thức về bệnh viêm gan C thường rời rạc, từ nhiều nguồn khác nhau. Để hiểu đầy đủ và hiểu sâu hơn về bệnh viêm gan C, mời Quý vị hãy cùng theo dõi nội dung dưới đây.
I. Hiểu biết về bệnh viêm gan C
1.1. Viêm gan C là gì?
Viêm gan C là một dạng của viêm gan, hiện tượng gan bị viêm nhiễm do sự xâm nhập của virus Hepatitis C (HCV) gây ra. Các virus này phá hủy, làm suy giảm chức năng gan nhưng lại không thể hiện rõ các triệu chứng bệnh. Vì thế, viêm gan C còn được nhiều người gọi là “căn bệnh thầm lặng”.
Viêm gan C thường được gọi là một “bệnh thầm lặng” vì nhiều bệnh nhân mang virus không có triệu chứng và không cảm thấy bệnh. Hiện tại không có thuốc chủng ngừa để bảo vệ bạn khỏi bị viêm gan C. Tuy nhiên, khi đã nhiễm và bị viêm gan C thì vẫn có cách điều trị.
Tổ chức Y Tế thế giới ước tính có 170 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh. (Theo WHO, 2000).
1.2. Virus viêm gan C
Virus HCV được phát hiện năm 1989. Virus này lan truyền qua đường máu như viêm gan B (như sử dụng chung bàn chải đánh răng, dùng chung dao cạo, chung kim tiêm…) và truyền từ mẹ sang con, nhưng hiếm khi lây qua đường tình dục.
Virus viêm gan C có 6 kiểu chính, gọi là kiểu gen. Kiểu gen không ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc bạn sẽ được điều trị như thế nào. Kiểu gen của virus được xác định bằng xét nghiệm máu trước khi bắt đầu điều trị.
Việc xác định kiểu gen là vấn đề quan trọng vì có một số kiểu gen dễ điều trị hơn một số kiểu gen khác. Điều này có nghĩa là việc điều trị sẽ khác nhau tùy theo kiểu gen. Các loại kiểu gen được mô tả như sau:
- Kiểu gen 1 được tìm thấy chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ (khoảng 70% người bị viêm gan C ở những vùng này bị nhiễm kiểu gen 1). Loại này khó điều trị hơn và cần 48 tuần để diệt sạch virus.
- Kiểu gen 2 và 3 dễ điều trị hơn, và nhiều bệnh nhân mắc thể viêm gan này có thể làm sạch virus chỉ sau 24 tuần điều trị (khoảng 30% người bị viêm gan C ở châu Âu và Bắc Mỹ bị nhiễm kiểu gen 2 và 3). Kiểu gen 2 và 3 cũng thường gặp ở Úc và vùng Viễn Đông.
- Kiểu gen 4 thường gặp ở Trung Đông và châu Phi và được điều trị trong 48 tuần, như kiểu gen 1 (khoảng 90% người bị viêm gan C ở Trung Đông và châu Phi bị nhiễm kiểu gen 4).
- Kiểu gen 5 & 6 hiếm hơn, và được điều trị trong 48 tuần, như kiểu gen 1 & 4. ( ở Việt Nam kiểu gen 6 chiếm tỷ lệ cao khoảng 20%, chỉ sau kiểu gen 1).
1.3. Virus viêm gan C ảnh hưởng đến gan như thế nào?
Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và quan trọng nhất trong cơ thể. Gan nằm dưới khung sườn bên phải, phía trên dạ dày. Gan chịu trách nhiệm:
- Dự trữ vitamin, khoáng chất , sắt và đường cho cơ thể và chuyển hóa thức ăn
- Sản xuất những protein cơ bản và những chất đông máu.
- Kiểm soát nồng độ hormone và các chất hóa học trong máu
- Hóa giải chất độc
Bạn không thể sống nếu không có gan. Nếu gan bị bệnh, chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng, và bạn sẽ thấy sức khỏe thay đổi. Tổn thương gan do virus viêm gan C có thể tiến triển chậm trong nhiều năm, nên việc phát hiện và điều trị rất quan trọng.
1.4. Một người bị nhiễm bệnh như thế nào?
Người ta thường bị nhiễm viêm gan C qua:
- Truyền máu bị nhiễm hay những chế phẩm của máu trước năm 1991
- Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm (sử dụng chung dao cạo râu, kéo, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, băng vết thương)
- Tất cả những tình huống (trong hay ngoài y khoa) có sử dụng hay tái sử dụng những dụng cụ không được vô trùng cẩn thận như những trường hợp sau:
- Dùng chung kim tiêm hay ống chích
- Bị kim tiêm đâm phải (ví dụ như khi y tá tiêm chích thuốc)
- Chữa răng
- Xăm mình, châm cứu xỏ lỗ tai không vô trùng
- Truyền bệnh qua những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu, giao hợp lúc có kinh
- Sử dụng những vật dụng vệ sinh cá nhân bị nhiễm
- Truyền từ mẹ sang con (hiếm gặp)
- Ở nhiều người, không biết được đường lây nhiễm.
1.5. Làm thế nào để tránh lây bệnh viêm gan C cho người khác?
Bạn không bị lây (hay truyền bệnh) khi hắt hơi, ho, hôn, ăn chung chén bát, sử dụng chung nhà vệ sinh hay qua những hành vi giao tiếp thông thường. (Theo WHO Fact Sheet 164, 2000). Tuy nhiên, bạn cần thực hiện một số biện pháp đểđề phòng lây bệnh cho người khác:
- Tránh dùng chung kim tiêm hay những vật dụng tương tự (như xăm mình, tiêm chích thuốc, kim châm cứu…)
- Tránh những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu và tránh giao hợp khi hành kinh (sử dụng bao cao su làm giảm nguy cơ)
- Làm sạch vết máu (dùng găng cao su và chất khử trùng)
- Tránh sử dụng chung những vật dụng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay) vì chúng có thể dây máu
- Phụ nữ nên cẩn thận khi hành kinh và nên vứt bỏ băng vệ sinh vào nơi an toàn.
II. Điều gì xảy ra khi một người mắc viêm gan C?
Khi mắc bệnh, virus viêm gan C đi từ máu đến gan và sinh sôi ở đó. Cùng lúc đó, cơ thể người bệnh bắt đầu chống lại nhiễm trùng. Nếu hệ miễn dịch của người bệnh chiến thắng được virus viêm gan C thì người đó sẽ khỏi bệnh sau thời gian bị viêm gan C cấp tính. Trong trường hợp hệ miễn dịch không đánh bại được virus viêm gan C, người bệnh sẽ bị viêm gan C mạn tính.
Viêm gan C được xem là “một bệnh thầm lặng”. Chỉ khoảng 1/3 người mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng và những triệu chứng này thường nhẹ – nên bạn có thể không hề biết là mình đã mắc bệnh.
2.1. Viêm gan C cấp tính
Khoảng thời gian ngắn (thường là 6 tháng) sau khi nhiễm bệnh thường được gọi là giai đoạn cấp của bệnh. Bệnh nhân bị viêm gan C cấp hiếm khi có biểu hiện triệu chứng. Điều này không có nghĩa là tổn thương gan không xảy ra. Trong thời gian này, một số bệnh nhân (khoảng 15-30%) có khả năng tự vượt qua (“diệt sạch”) virus mà không cần điều trị. Dấu hiệu duy nhất cho thấy họ đã mắc bệnh là sự hiện diện của kháng thể chống siêu vi C trong máu.
Tìm thấy kháng thể này không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh mà chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc bệnh ở một thời điểm nào đó. Một xét nghiệm PCR trong máu mới biết được bạn đang mang virus trong người hay không. Điều đáng tiếc là hầu hết bệnh nhân đều không tự diệt sạch được virus trong giai đoạn cấp (có thể xem xét khả năng điều trị nếu tìm thấy virus trong giai đoạn cấp). Bệnh sau đó chuyển sang giai đoạn mạn, như mô tả dưới đây.
2.2. Viêm gan C mạn tính
Nếu virus vẫn tồn tại trong máu (và gan) trên 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, bạn đã bị viêm gan C mạn tính. Cơ may khỏi bệnh rất hiếm nếu không điều trị. Ở giai đoạn này, có thể bắt đầu có những tổn thương nặng hơn cho gan. Bạn có thể thấy có triệu chứng của bệnh trong giai đoạn này.
Hầu hết bệnh nhân viêm gan C đều không có triệu chứng và không cảm thấy bệnh. Một số ít bệnh nhân viêm gan C mạn tính có thể thấy mệt mỏi khó tập trung, thấy ốm yếu, đau cơ hay đau khớp, thấy lo lắng hay chán nản. Việc không có triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, virus vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong gan. Chúng gây viêm gan và tăng nồng độ của nhiều men gan (AST và ALT) có thể đo được trong máu. Kết quả là tổn thương gan (gọi là xơ hóa ) có thể lan rộng và dẫn đến xơ gan. Khi xơ gan, mô xơ xâm lấn và thay thế mô gan bình thường, làm hỏng những chức năng quan trọng của gan như tiêu hóa và giải độc. Khoảng 20% bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan. Xơ gan là một bệnh nặng có nhiều biến chứng nghiêm trọng nên phải điều trị tích cực. Ghép gan là biện pháp điều trị duy nhất để điều trị xơ gan nặng. Nếu không điều trị, xơ gan sẽ dẫn đến những biến chứng nặng và ung thư gan.
Bệnh nhân bị viêm gan C có thời gian tiến triển bệnh khác nhau và không thể dự đoán được chính xác. Nhiều bệnh nhân chỉ bị thay đổi ít sau 20-30 năm, trong khi nhiều người bị xơ gan sau 10 năm hay ngắn hơn. Điều cần lưu ý là tốc độ tiến triển đến bệnh gan KHÔNG phụ thuộc vào kiểu gen hay số lượng virus bạn đang mang. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhận biết được những yếu tố có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn:
- Lớn tuổi tại thời điểm nhiễm bệnh
- Giới tính: nam giới
- Uống rượu bia
- Đồng nhiễm virus viêm gan B (HBV) hay HIV
- Thừa cân, béo phì
- Tiểu đường
- Hút thuốc
III. Các phương pháp điều trị viêm gan C hiện nay
Có hai loại thuốc được chấp thuận để điều trị viêm gan C mạn: interferon và ribavirin.
3.1. Interferon
Interferon là một protein tự nhiên do cơ thể sản xuất ra để chống lại nhiễm virus. Thật ra, interferon cũng chịu trách nhiệm một phần về những triệu chứng của viêm gan C như đau nhức cơ và những triệu chứng như cúm. Đây là những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang bảo vệ cơ thể bạn khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, cơ thể không sản xuất đủ interferon để tiêu diệt virus viêm gan C, nên việc sử dụng dạng thuốc protein này là một cách để kích hoạt cơ thể tăng cường đề kháng tự nhiên. Vì interferon là một protein, thuốc sẽ bị cơ thể phá huỷ khi uống qua đường tiêu hóa, nên chỉ có thể sử dụng thuốc đường tiêm dưới da. Bạn sẽ được hướng dẫn cách tiêm chích thuốc khi bắt đầu điều trị. Có 2 dạng interferon hiện đang được sử dụng:
- Interferon thông thường – bị cơ thể phân hủy nhanh chóng và phải chích ít nhất 3 lần mỗi tuần.
- “Pegylated” interferon (interferon được kết hợp với PEG: Poly Ethylene Glycol) dạng thuốc được điều chỉnh để có thời gian tác dụng trong cơ thể dài hơn để diệt virus. Hiện có hai dạng – PEGASYS‚ (peginterferon alfa-2a [40KD]), được bào chế bởi công ty Roche, và PEG-INTRON (peginterferon alfa-2b), được bào chế bởi công ty Schering-Plough. Khi chích thuốc theo chỉ định của bác sĩ, pegylated interferon tồn tại trong cơ thể ở một nồng độ đủ để diệt virus. Những interferons này tốt hơn dạng interferon thông thường về tác dụng diệt virus và dễ sử dụng hơn vì chỉ cần chích 1 lần/ tuần. Những bệnh nhân không đáp ứng với interferon quy ước có thể đáp ứng tốt hơn với điều trị pegylated interferon.
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy điều trị interferon đơn thuần (đơn trị liệu) cũng diệt được virus ở vài bệnh nhân, nhưng kết quả sẽ tốt hơn nếu kết hợp với một thuốc khác gọi là ribavirin (điều trị phối hợp).
3.2. Ribavirin
Ribavirin có dạng viên nén hay viên nang dùng để uống 2 lần/ ngày. Ribavirin có thể tăng cường tác dụng điều trị của interferon (dạng quy ước hay dạng được pegylate hóa) khi sử dụng kết hợp. Thuốc làm tăng hiệu quả của interferon và làm giảm khả năng tái phát. Sử dụng ribavirin đơn thuần không diệt được virus.
Tùy theo tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chọn lựa thuốc nào là tốt nhất cho người bệnh. Nếu người bệnh được cho điều trị bằng interferon hay pegylated interferon đơn thuần, là do người bệnh không thể sử dụng ribavirin vì lý do y khoa. Ngoài ra, interferon và ribavirin có thể gây khuyết tật cho thai, vì vậy vấn đề quan trọng là phải thực hiện các biện pháp ngừa thai trước, trong và 6 tháng sau khi điều trị.
IV. Điều trị viêm gan C
4.1. Tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị
Khi bắt đầu điều trị, điều rất quan trọng là người bệnh phải sử dụng thuốc đúng như đã được kê toa – nghĩa là phải dùng thuốc đúng liều lượng vào đúng thời gian quy định. Điều này gọi là “tuân thủ điều trị” theo chuyên ngành y khoa. Bệnh nhân tuân thủ tốt thường có cơ may khỏi bệnh cao hơn. Nếu người bệnh ngưng thuốc sớm hay không dùng đúng liều, việc điều trị có thể sẽ không có hiệu quả.
4.2. Khi điều trị không phù hợp.
Kết hợp pegylated interferon và ribavirin là cách điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không được kê toa kết hợp điều trị vì họ còn có những bệnh khác. Điều trị có thể gây khuyết tật thai nhi nên không được sử dụng ở những người đang dự tính có thai hay đang có thai. Phải ngừa thai hiệu quả trong thời gian điều trị và tiếp tục 6 tháng sau khi ngưng điều trị nếu bạn đang ở độ tuổi sinh đẻ.
Nếu người bệnh có biểu hiện chứng trầm cảm trong quá khứ, hay có bệnh tim nặng trong 6 tháng trước đó, bác sĩ có thể thảo luận với người bệnh về những phương án điều trị. Trong một số trường hợp, việc trì hoãn điều trị có thể là một ý định sáng suốt nếu như người bệnh đang gặp phải những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể làm trở ngại cho việc tuân thủ điều trị.
Có rất nhiều nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới điều trị viêm gan C. Nếu bác sĩ khuyên bạn không nên điều trị bây giờ, bạn vẫn có thể nhận được các lợi ích từ điều trị trong tương lai. Trong thời gian chờ đợi, bạn cần cố gắng hạn chế những tổn thương cho gan và cải thiện sức khỏe bằng cách thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên, ăn khẩu phần lành mạnh và tránh hút thuốc hay uống rượu. Điều quan trọng là có cái nhìn bao quát để cải thiện sức khỏe, hơn là chỉ nhằm vào lá gan.
4.3. Các vấn đề liên quan trong điều trị viêm gan C
Ngày nay, điều trị viêm gan thành công hơn nhiều về tác dụng diệt virus so với chỉ 5 năm trước đây. Mới đây, một hướng dẫn quốc tế về điều trị viêm gan C đã xác định phối hợp thuốc giữa pegylated interferon và ribavirin được xem là phương pháp tiêu chuẩn để điều trị bệnh. Khi bạn đã quyết định điều trị, bạn cần phải khám định kỳ để kiểm tra tiến triển của bệnh và theo dõi các tác dụng điều trị.
Quyết định bắt đầu điều trị viêm gan C cần được cân nhắc cẩn thận từ phía người bệnh và bác sĩ. Thời gian điều trị là 24 hay 48 tuần phụ thuộc vào kiểu gen và cần phải điều trị đủ thời gian để làm sạch virus.
Những thử nghiệm trước khi bắt đầu điều trị – bác sĩ cần tiến hành một số xét nghiệm để xem việc điều trị có hữu ích cho người bệnh hay không (hầu hết những xét nghiệm này chỉ cần lấy máu để kiểm tra).
Có thể cần lấy một mẫu nhỏ tổ chức gan (phương pháp sinh thiết) để kiểm tra (đây là một phương pháp tương đối an toàn, mặc dù có nguy cơ rất nhỏ bị chảy máu). Sinh thiết cho thấy gan của người bệnh bị ảnh hưởng như thế nào do virus viêm gan C và có thể giúp ích cho quyết định điều trị.
4.4. Theo dõi trong quá trình điều trị viêm gan C
Yếu tố quan trọng nhất để tiêu diệt virus là phải hoàn thành chương trình điều trị như đã được kê toa. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu tới kiểm tra theo dõi đều đặn. Trong những lần tái khám này, bác sĩ sẽ:
- Làm một số xét nghiệm để kiểm tra đáp ứng với điều trị. Những xét nghiệm này được tiến hành ở những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị.
- Theo dõi tác dụng phụ của thuốc trên cơ thể người bệnh và gợi ý những phương pháp để hạn chế chúng.
- Theo dõi tình trạng gan và sức khỏe chung của người bệnh.
Ở nhiều bệnh nhân, số lượng virus sẽ giảm xuống đáng kể khi bắt đầu điều trị. Dấu hiệu đáp ứng điều trị sớm là một dấu hiệu tốt cho thấy người bệnh sẽ thực sự tiêu diệt được virus. Tuy nhiên, virus viêm gan C có thể lây nhiễm vào những tế bào khác ngoài gan và máu. Do đó, muốn tiêu diệt sạch virus, điều cốt lõi là người bệnh phải tiếp tục điều trị theo hướng dẫn và đủ thời gian, cho dù người bệnh đã có đáp ứng virus sớm. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa khả năng tái phát sau khi hoàn thành điều trị.
Mục tiêu điều trị cuối cùng là kết quả xét nghiệm virus vẫn âm tính sau khi ngừng điều trị 6 tháng, kết quả này gọi là đáp ứng virus kéo dài. Điều này được xem là khỏi bệnh, vì khả năng tái phát về sau rất hiếm (chỉ khoảng 1%). Khoảng 1 trong 2 bệnh nhân có kiểu gen 1 và khoảng 4 trong 5 người bệnh có kiểu gen 2 và 3 được điều trị khỏi bệnh.
4.5. Các tác động của điều trị viêm gan C
Mặc dù hầu hết bệnh nhân đều có thể hoàn tất điều trị, tuy nhiên nhiều người bị tác dụng phụ của thuốc trong lúc điều trị. Tốt nhất là nên chuẩn bị trước.
Kết hợp pegylated interferon và ribavirin có tác dụng diệt virus mạnh và cho cơ hội khỏi bệnh. Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây những biểu hiện khó chịu gọi là tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này không xảy ra cùng lúc, một số tác dụng xảy ra khi bắt đầu điều trị, một số khác xảy ra về sau. Mặc dù những tác dụng phụ này có thể trầm trọng, hầu hết bệnh nhân đều ghi nhận là nhẹ đến trung bình. Tác dụng phụ nói chung giảm dần theo thời gian và biến mất khi chấm dứt điều trị.
Bệnh nhân đáp ứng khác nhau với điều trị, nhiều người không có vấn đề gì khi điều trị, nhiều người lại có. Điều quan trọng là cần báo cho bác sĩ biết nếu có tác dụng phụ, bác sĩ có thể xem xét lại chế độ điều trị hay kê toa thêm những thuốc khác để làm giảm tác dụng phụ. Dưới đây là một số các tác dụng phụ thường gặp nhất để người bệnh chuẩn bị tốt hơn:
- Hội chứng giống như cúm (sốt, ớn lạnh, đau nhức)-là phổ biến, nhưng có thể làm giảm nhẹ bằng những biện pháp đơn giản như uống nhiều nước và uống thuốc làm giảm triệu chứng. Bạn nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thêm bất cứ thuốc gì.
- Trạng thái tinh thần – đã được nhận biết là một đặc điểm của bản thân bệnh viêm gan C và thường nặng lên khi điều trị. Triệu chứng có thể là trầm cảm, lo âu, thay đổi tính tình, cáu gắt, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung. Nếu bạn có những vấn đề này trước đó, hay đang được điều trị, cần phải báo cho bác sĩ trước khi điều trị viêm gan C. Những vấn đề về trạng thái tinh thần là lý do chính làm bệnh nhân ngưng điều trị viêm gan C, nên điều quan trọng là bạn và bác sĩ của bạn nhận ra những vấn đề này sớm và điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, ở một vài trường hợp, dấu hiệu trầm cảm trong lúc điều trị có thể điều trị bằng thuốc nên bệnh nhân có thể tiếp tục hoàn tất điều trị viêm gan C.
- Thay đổi về máu – một số thay đổi về nồng độ các chất trong máu thường xảy ra khi điều trị kết hợp và bác sĩ thường chỉ định những xét nghiệm máu để theo dõi. Ribavirin làm giảm lượng haemoglobin, cũng như làm hồng cầu dễ vỡ hơn khi điều trị. Điều này có thể gây thiếu máu làm cho mệt mỏi, khó thở hay làm bệnh tim nặng thêm. Haemoglobin trở về bình thường khi chấm dứt điều trị. Tương tự như vậy, pegylated interferons làm giảm bạch cầu đa nhân trung tính (một thành phần của hệ thống đề kháng nhiễm trùng) và tiểu cầu (liên quan đến đông máu). Theo dõi cẩn thận và nếu cần, giảm liều thuốc thường sẽ đủ để ngăn ngừa những thay đổi trong máu. Số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu sẽ quay về bình thường sau khi điều trị.
- Tuyến giáp – ở một số ít người, điều trị interferon có thể ảnh hưởng lên chức năng tuyến giáp. Dấu hiệu về những vấn đề của tuyến giáp là run và thay đổi cân nặng. Bác sĩ sẽ theo dõi những ảnh hưởng của điều trị trên tuyến giáp nên cần thông báo nếu bạn có những triệu chứng này.
- Khô và ngứa da -Da có thể khô, đôi khi có ngứa trong lúc điều trị.
- Rụng tóc -xảy ra ở vài bệnh nhân và thường nhẹ đến trung bình. Tóc thường mọc lại khi tiếp tục điều trị hay sau khi ngưng điều trị.
- Những triệu chứng khác -nếu bạn ghi nhận có bất cứ triệu chứng này không có ở đây, hãy thông báo cho bác sĩ hay điều dưỡng biết.
4.6. Những vấn đề khó khăn trong cuộc sống trong quá trình điều trị viêm gan C
Điều trị thành công thường cải thiện chất lượng cuộc sống và có thể là tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo bạn phải điều chỉnh cách sinh hoạt để thích nghi với bệnh tật và chế độ điều trị.
Điều trị viêm gan C mạn tính sẽ gồm nhiều lần tái khám và xét nghiệm.
Việc điều trị viêm gan C cũng có thể có những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật – người bệnh có thể dễ mệt hơn, cáu kỉnh hơn và cảm thấy không khỏe sau khi chích thuốc, điều này tạo thêm những áp lực cho đời sống gia đình, công việc và xã hội của người bệnh. Những quan hệ cá nhân của người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng. Những người khác có thể KHÔNG thấy những triệu chứng bệnh và tác dụng phụ của điều trị, người ta có thể không biết là bạn đang có bệnh hay không thông cảm với những yêu cầu của bạn. Người bệnh không nên chịu đựng những gánh nặng này một mình, có thể nhờ tới sự giúp đỡ bằng nhiều cách của gia đình và đồng nghiệp.
Tập thể dục nhẹ như đi xe đạp, đi bộ, bơi hay yoga cũng có thể giúp người bệnh bớt đau cơ, cải thiện cảm giác khỏe khoắn và giúp dễ ngủ.
Người bệnh cũng cần xem lại chế độ ăn.Nói chung là nên ăn nhiều bữa ăn nhẹ trong ngày hơn là ăn một vài bữa ăn lớn. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần ăn một chế độ cân bằng những nhóm chất dinh dưỡng chính yếu.
Nguồn: Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương
(Theo: U.S. Food and Drug Administration )