Vai trò của tuyến giáp và các bệnh thường gặp ở tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể và có nhiều chức năng quan trọng. Tuyến giáp có chức năng tiết ra các hormon giáp trạng, tác dụng trên sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đặc biệt là bộ não, duy trì ổn định lượng canxi trong máu… và nhiều chức năng quan trọng khác.

1. Sơ lược về tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, và lớn nhất trong cơ thể. Tuyến này nằm phía trước cổ, lượng khoảng 20-25 gram, hình dạng như con bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5 – T1, phía trước có lớp da và cơ thịt, phía sau giáp khí quản.

vi tri tuyen giap trong co the
Tuyến giáp nằm phía trước cổ, có hình dạng như con bướm

Tuyến giáp có 2 thùy (thùy phải và thùy trái), mỗi thùy áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản, và 1 eo tuyến nối 2 thùy với nhau. Tuyến màu nâu đỏ được cấu tạo bên ngoài bởi 1 lớp bao xơ được tạo ra bởi lớp cân sau gắn tuyến vào sụn giáp, nên khi nuốt tuyến di động theo thanh quản.

Tuyến giáp sản xuất các hormon giáp trạng gồm Thyroxine (hay gọi là T4 vì có 4 phân tử iod trong thành phần), hormon tri-iodo-thyronine (hay gọi là T3), nhận ảnh hưởng diều hòa của hormone TSH từ tuyến yên trên não. T4/T3 có chức năng điều hòa nhiều chuyển hóa trong cơ thể.

Hormon tuyến giáp sản xuất ra có hai loại được gọi là T3 (Triiodothyronine) và T4 (Tetraiodothyronine) dựa vào số phân tử Iod trong công thức cấu tạo. Nhìn vào đó chúng ta có thể thấy, Iod là thành tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.

cau tao cua hormon t3 t4 tuyen giap
T3 và T4 được cấu tạo một phần của i-ốt

2. Hoạt động của tuyến giáp

Quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp bắt đầu từ khi cơ thể được bổ sung thêm Iod (từ nguồn thức ăn, thuốc bổ sung…) qua chuyển hóa thành dạng Iodur, hấp thu vào ruột và vận chuyển vào trong tuyến giáp, rồi trở lại dạng Iod bình thường. Dưới tác dụng của hormone tuyến yên, tuyến giáp sản xuất hormone T4 và một lượng nhỏ T3. Hormon tuyến giáp T4 sau đó giải phóng 1 phân tử Iod chuyển thành dạng hoạt động là T3.

Trong quá trình lưu thông trong máu, hormone T3 và T4 được tồn tại ở hai dạng là dạng tự do và dạng gắn vào protein vận chuyển. Dạng T3, T4 tự do có tác dụng ức chế ngược lại hoạt động tuyến giáp. Do đó, để kiểm tra tình trạng hoạt động của tuyến giáp, người ta thường định lượng hormone T3, T4 dạng tự do (FT3 hay Free T3, FT4 hay Free T4).

3. Vai trò của hormone tuyến giáp với phát triển cơ thể

Hormone tuyến giáp có các vai trò đối với cơ thể như sau:

  • Tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sinh trưởng phát dục.
  • Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp.
  • Tác động chức năng hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa.
  • Điều hòa quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết.
  • Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh ngay từ khi còn trong bào thai.
  • Điều tiết lượng canxi trong máu luôn duy trì nồng độ 1%; điều tiết lượng photpho trong máu.

Nếu tuyến giáp hoạt động không tốt:

  • Nếu thiếu iod trong thức ăn sẽ gây nhược năng tuyến giáp với các biểu hiện: hạ thân nhiệt, trao đổi chất giảm, tăng trưởng chậm, hoạt động sinh dục giảm, tim đập chậm, gây ra bệnh bướu cổ, run tay và chứng đần độn.
  • Hội chứng cường tuyến giáp (bệnh Basedo): do tuyến giáp hoạt động quá mạnh có các biểu hiện: tăng thân nhiệt, tim đập nhanh. Người mắc bệnh này có thể bị lồi mắt…
tuyen can giap vi tri tuyen can giap
Vị trí của tuyến cận giáp

Khi nói tới chức năng tuyến giáp, chúng ta cần nói tới tuyến cận giáp. Tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ của hệ thống nội tiết điều chỉnh canxi trong cơ thể. Các tuyến cận nằm ở cổ phía sau tuyến giáp, tiết ra tyrocanxitonincos tác dụng làm tăng sự hấp thu canxi từ ống tiêu hóa vào máu và từ máu vào xương, làm ổn định canxi huyết. Nếu thiếu canxi thì tuyến giáp sẽ làm việc liên tục để lấy canxi từ xương vào máu (nhằm duy trì nồng độ 1% canxi trong máu) và gây nên tình trạng rối loạn tuyến giáp.

4. Các bệnh lý tuyến giáp

Hai bệnh lý chính thường gặp liên quan tới tuyến giáp là Cường giáp và Suy giáp, có liên quan tới mức độ hoạt động của tuyến giáp. Bên cạnh đó, tuy hiếm gặp những ung thư tuyến giáp cũng có thể xảy ra.

4.1. Cường giáp (Bệnh Basedow)

– Nguyên nhân là do sự ối loạn nội tiết: thường gặp ở phụ nữ từ 30 ->50 tuổi ( 80% ); Sử dụng quá liều Iod (thường do bổ sung quá nhiều thuốc chứa iod trong quá trình trị bệnh).

– Triệu chứng: Gầy mặc dù ăn nhiều, uống nhiều, huyết áp tăng, tay run, da ấm và ẩm, đổ nhiều mồ hôi. Mạch nhanh và tăng lưu lượng tim. Tuyến giáp phì đại, mắt lồi.

– Hậu quả của Cường giáp với bà mẹ và thai nhi: Cường giáp khi mang thai sẽ ảnh hưởng tới cả bà mẹ và thai nhi.

  • Ảnh hưởng tới bà mẹ: Sinh non, nguy cơ tiền sản giật, suy tim do tim hoạt động quá sức.
  • Ảnh hưởng tới thai nhi: thai chết lưu, sẩy thai, thai chậm phát triển, dị tật bẩm sinh.
  • Cách khắc phục: ngưng sử dụng các loại thuốc chứa iod, điều trị đặc hiệu nhưng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi do các thuốc điều trị dễ dàng vào nhau thai và sữa mẹ. Trong ba tháng giữa thai kỳ, bà bầu bị cường giáp có thể được phẫu thuật nhưng cần rất thận trọng và ngay cả khi điều trị thành công thì những đứa trẻ sinh ra vẫn có nguy cơ phát triển cường giáp khó hồi phục.

4.2. Suy giáp

– Nguyên nhân: Bệnh tự miễn, người bệnh bị cắt bỏ tuyến giáp, thiếu iod, sử dụng thuốc kháng giáp trạng hoặc do sự thay đổi nội tiết tố.

– Triệu chứng: Giảm nhu động ruột, nhịp tim, tuần hoàn, trầm cảm.

– Hậu quả của Suy giáp đối với bà mẹ và thai nhi:

  • Ảnh hưởng tới bà mẹ: thai phụ có thể bị tiền sản giật, bất thường bánh nhau, chảy máu nhiều sau sinh
  • Ảnh hưởng tới thai nhi: trẻ sinh ra bị đần độn, kém phát triển về thể chất, trí tuệ, nhẹ cân.
  • Tuyến giáp của thai nhi chỉ bắt đầu hoạt động một phần từ tuần thứ 10->12 của thai kỳ cho nên trong 3 tháng đầu tiên thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormone tuyến giáp của mẹ. Do đó, khi người mẹ gặp trục trặc về tuyến giáp thì thai nhi cũng sẽ chịu những hậu quả từ những bất thường đó.

Lưu ý: Với vai trò quan trọng của tuyến giáp và hormon tuyến giáp trong hệ thống chuyển hóa toàn cơ thể, sự hoạt động, hình thành, phát triển hệ thần kinh thì việc kiểm tra hormon tuyến giáp trong thời kỳ mang thai là rất cần thiết nhằm phát hiện sớm các vấn đề người mẹ gặp phải và xử lý kịp thời.

4.3. Ung thư tuyến giáp

So với tỷ lệ mắc các loại ung thư khác thì ung thư tuyến giáp là bệnh hiếm gặp. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư tuyến giáp cũng rất thấp. Thông thường, ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công, điều trị triệt căn bằng phẫu thuật và điều trị bổ trợ với I-131 kể cả với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển.

Ngày nay tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở cả nam và nữ có xu hướng tăng nhanh hơn so với các loại ung thư khác. Mặc dù mắc ung thư là một điều gì đó hết sức khủng khiếp nhưng đối với riêng ung thư tuyến giáp mọi điều dường như tươi sáng hơn.

Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là:

  • Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt
  • Khàn tiếng, khó thở
  • Nổi hạch cổ.

Ung thư tuyến giáp có 04 thể dưới đây:

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú: Trong ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm từ 70-80%, thể này tiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ. Tuy nhiên, không giống như các loại ung thư khác mặc dù có di căn hạch nhưng ung thư tuyến giáp thể nhú vẫn có tiên lượng rất tốt.
  • Ung thư tuyến giáp thể nang: Thể này chiếm từ 10-15% ung thư tuyến giáp. Cũng giống nhu thể nhú, thể nang có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: Loại ung thư tuyến giáp này chiếm từ 5-10%, liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Đây là thể ác tính nhất của ung thư tuyến giáp đồng thời đáp ứng kém với điều trị, chỉ chiếm tỷ lệ dưới 2%.

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh thường gặp và hoàn toàn có thể chữa khỏi vì đây là bệnh ung thư có tiên lượng khá tốt, người bệnh có thể phát hiện sớm bằng siêu âm tuyến giáp qua khám sức khỏe định kỳ và hình ảnh tế bào học bằng chọc hút kim nhỏ các nhân tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm và điều trị kịp thời.

5. Lời kết

Tuyến giáp là một tuyến lớn có nhiều chức năng quan trọng, tuyến giáp ở vị trí dễ thăm khám và một số bệnh có thể phát hiện bằng mắt thường. Bạn nên định kỳ khám sức khỏe tổng quát (bao gồm khám tuyến giáp) để phát hiện tình trạng bệnh lý và khắc phục kịp thời để từ đó hướng theo dõi và điều trị thích hợp, kịp thời ở những giai đoạn bệnh rất sớm.

Nguồn: Tổng Đài Y Khoa (TH)

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top