Xét nghiệm HBsAg là một trong những xét nghiệm thường gặp trong các xét nghiệm liên quan đến các vấn đề về gan. Kết quả trả về của xét nghiệm HBsAg sẽ ghi là âm tính hoặc dương tính. Điều này có ý nghĩa gì? Mời Quý vị cùng Tổng đài Y khoa tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
1. HBsAg là gì?
Trước hết chúng ta cần hiểu HBsAg là gì? HBsAg là thuật ngữ được viết tắt của từ Hepatitis B surface antigen, đây được xem là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Khi có kháng nguyên này trong cơ thể nghĩa là bạn đã bị mắc viêm gan siêu vi B và có khả năng lây cho người khác qua máu và dịch tiết. Kháng nguyên HBsAg thường xuất hiện trong máu từ 01 đến 08 tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với virus viêm gan B.
Xét nghiệm HBsAg là một xét nghiệm giúp phát hiện kháng nguyên trong máu của người xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính việc này đồng nghĩa với sự hiện diện của virus viêm gan B trong máu, nói cách khác là có thể cơ thể đã nhiễm bệnh viêm gan B.
2. HBsAg âm tính có nghĩa là gì?
Khi một người mới nhiễm virus viêm gan B (HBV), sẽ có sự đấu tranh giữa hệ miễn dịch của cơ thể với virus. Nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh, đẩy lùi được virus thì người đó khỏi bệnh và HBsAg sẽ biến mất sau 4-6 tháng. Nếu hệ miễn dịch cơ thể không lấn át hoàn toàn được virus, cuộc chiến sẽ kéo dài dai dẳng, HBsAg tiếp tục được phát hiện sau 6 tháng và người bệnh sẽ bước vào viêm gan B giai đoạn mạn tính. Do đó, sẽ xảy ra 03 trường hợp như sau:
– Xét nghiệm HBsAg dương tính
Kết quả xét nghiệm máu HBsAg dương tính: Điều này có nghĩa là bạn đang bị nhiễm virus viêm gan B.
– Xét nghiệm HBsAg âm tính
Kết quả xét nghiệm máu HBsAg âm tính: Điều này có nghĩa là trong máu của bạn không có virus HBV trong thời điểm được xét nghiệm. Điều đó cho thấy hiện tại, bạn không bị nhiễm virus viêm gan B.
– Xét nghiệm HBsAg lần đầu dương tính, lần sau âm tính
Có một số trường hợp trước đó cơ thể đã nhiễm virus HBV, nhưng sau một thời gian bệnh bị đẩy lui và kháng nguyên HBsAg biến mất. Lúc này, người được kiểm tra cũng có kết quả xét nghiệm máu HBsAg âm tính.
Sở dĩ kết quả âm tính trong trường hợp này là bởi đây là giai đoạn virus vừa mới tấn công vào cơ thể và đang có sự đấu tranh giữa hệ miễn dịch với virus. Nếu hệ miễn dịch mạnh hơn, người đó khỏi bệnh và HBsAg biến mất sau 4-6 tháng. Nếu hệ miễn dịch của cơ thể bị virus viêm gan B làm cho suy yếu hoàn toàn thì HBsAg tiếp tục được phát hiện sau 6 tháng. Tình trạng này được gọi là nhiễm virus HBV mạn tính.
Kết quả xét nghiệm máu HBsAg âm tính sau khi chuyển đổi từ dương tính là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, dù HBsAg đã biến mất (âm tính) song ADN của virus vẫn có thể tồn tại trong cơ thể người bệnh. Điều này có thể do HBsAg vẫn còn, nhưng ở mức độ dưới khả năng phát hiện của kỹ thuật xét nghiệm, hoặc gen quy định cho chất bề mặt HBV bị đột biến hoặc bị mất đi. Do đó, dù có kết quả xét nghiệm máu HBsAg âm tính, bạn vẫn nên khám định kỳ và làm xét nghiệm kiểm tra lại để chắc chắn về sức khỏe của mình.
3. Lời kết
Hiện nay việc điều trị viêm gan B là một trong những vấn đề khá mệt mỏi, khó khăn và rất tốn kém tuy nhiên khả năng phục hồi bệnh lại không cao. Chính vì vậy, ngăn ngừa tình trạng virus xâm nhập vào bên trong cơ thể là điều hết sức cần thiết. Dưới đây là một số lời khuyên trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan:
- Tiêm vắc xin phòng ngừa ngay khi xét nghiệm HBsAg âm tính
- Đối với những trẻ được sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B mạn tính thì cần phải tiêm phòng vắc xin viêm gan B và huyết thanh kháng virus viêm gan B trong vòng 24 tiếng kể từ khi lọt lòng. Ngoài ra, cần phòng tránh lây bệnh qua đường máu, đường tình dục, các thủ thuật xâm nhập qua da vào cơ thể,…
- Có lối sống lành mạnh, tích cực: Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân viêm gan nếu sống lạc quan vui vẻ thì hệ miễn dịch sẽ được nâng cao và khả năng điều trị bệnh nhanh chóng hơn.
- Người bệnh thường xuyên tập thể dục thể thao đều đặn tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch. Thực hiện ít nhất mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập thể dục thể thao.
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tuyệt đối không để cơ thể căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài.
Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ phần nào giúp ích cho tất cả mọi người trong việc tìm hiểu và bổ sung kiến thức.
Nguồn: Tổng đài Y khoa