Xét nghiệm HBsAg là gì?

Xét nghiệm HBsAg là xét nghiệm quyết định chẩn đoán viêm gan B. Kết quả xét nghiệm viêm gan B giúp bác sĩ biết chính xác người xét nghiệm có đang nhiễm virus viêm gan B hay không?

xét nghiệm HBsAg là gì ý nghĩa xét nghiệm HBsAg
Xét nghiệm HBsAg là 1 trong 5 hạng mục cơ bản của xét nghiệm viêm gan B

1. Xét nghiệm HBsAg là gì?

HBsAg là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antigen – kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Đây là một trong nhiều kháng nguyên của virus viêm gan B do Blumberg tìm thấy trong huyết thanh người. HBsAg thường xuất hiện trong máu từ 01 đến 08 tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với virus viêm gan B. Xét nghiệm HBsAg là 1 trong 5 hạng mục cơ bản của xét nghiệm viêm gan B.

Để biết một người có nhiễm bệnh viêm gan B hay không, người ta thực hiện xét nghiệm định tính HbsAg. Kết quả thu được từ việc xét nghiệm máu sẽ cho biết người tham gia kiểm tra có nhiễm siêu vi B hay không.

2. Cách đọc kết quả xét nghiệm HBsAg

Xét nghiệm HBsAg sẽ cho ra kết quả âm tính hoặc dương tính.

2.1. Xét nghiệm HBsAg dương tính là gì?

Xét nghiệm HBsAg dương tính hay (+) hay POS/ POSITIVE có nghĩa là trong huyết thanh của người bệnh đang có kháng nguyên này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh đã từng hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B.

Kháng nguyên HBsAg sẽ tăng lên trong vòng 10 tuần đầu. Trong trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch tốt thì HBsAg sẽ giảm dần và biến mất sau khoảng 4 – 6 tháng. Lúc này, cơ thể chúng ta hoàn toàn khỏi bệnh và có miễn nhiễm suốt đời với viêm gan B mà không cần phải tiêm ngừa.

Ngược lại, với những người có hệ miễn dịch kém thì HbsAg có thể không mất đi mà tiếp tục phát triển sau 6 tháng. Lúc này, người bệnh đã nhiễm siêu vi B mạn tính. Trong số những người mang mầm bệnh viêm gan B mạn tính, chỉ có số ít chuyển thành viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng.

2.2. Xét nghiệm HBsAg âm tính là gì?

Người bệnh khi làm xét nghiệm HBsAg còn cho ra kết quả âm tính (-) hay NEG/ NEGATIVE. Đối với trường hợp này, bệnh nhân có thể an tâm vì mình không mắc virus viêm gan B. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là bạn hoàn toàn chủ quan mà thay vào đó, bạn và gia đình nên thực hiện tiêm vacxin để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

3. Nên làm gì sau khi xét nghiệm HBsAg?

Khi xét nghiệm HBsAg có kết quả là âm tính, bạn và gia đình nên sớm tiêm vacxin phòng viêm gan B để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh.

Trong trường hơp, kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính, người bệnh cần ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, thực hiện các biện pháp an toàn, tránh lây nhiễm virus cho những người xung quanh. Đồng thời, bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm, tái khám định kỳ để biết được tình trạng bệnh và nhận tư vấn có nên điều trị bệnh hay không của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Mục tiêu của việc điều trị viêm gan B mạn tính là loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện vì cần áp dụng nhiều phác đồ điều trị tốn kém trong khi hiệu quả chỉ đạt khoảng 25 – 40%. Do vậy, việc điều trị virus viêm gan B chủ yếu là khống chế, không cho chúng phát triển và gây tổn hại các tế bào gan lành. Song song với đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần áp dụng một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, tránh các hóa chất gây hại cho gan như rượu, bia, các loại thuốc giảm đau,… để đạt hiệu quả trị bệnh tối đa.

Tuy có thể dựa vào chỉ số HBsAg để biết được bản thân có nhiễm virus viêm gan B hay không nhưng để biết rõ tình trạng hoạt động của virus, mức độ lây lan như thế nào,… thì người bệnh cần phải làm thêm các xét nghiệm HBeAg, kiểm tra HBV-DNA,… Việc này giúp bác sĩ đánh giá tổng quan về mức độ tổn thương gan ở bệnh nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguồn: Tổng đài Y khoa (TH)

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top