Ý nghĩa của xét nghiệm lactate máu

Xét nghiệm lactate máu là xét nghiệm đo lường nồng độ lactate có trong máu người nhằm mục đích theo dõi và chẩn đoán nhiều bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh nhân hồi sức cấp cứu.

y nghia xet nghiem lactate mau
Lactate là một sản phẩm của quá trình chuyển hóa tế bào.

1. Lactate máu là gì?

Lactate là một sản phẩm của quá trình chuyển hóa tế bào. Tùy thuộc vào độ pH, đôi khi nó xuất hiện dưới dạng axit lactic. Tuy nhiên, với độ pH trung tính của cơ thể, phần lớn sẽ có mặt trong máu dưới dạng lactate.

Thông thường, mức độ lactate trong máu và dịch não tủy là thấp. Nó được sản xuất vượt quá mức bởi các tế bào cơ, tế bào hồng cầu, não và các mô khác khi tế bào không có đủ oxy hoặc khi con đường ban đầu của sản xuất năng lượng trong các tế bào bị đứt đoạn.

Sản xuất năng lượng chủ yếu xảy ra trong ty lạp thể của tế bào, là các nhà máy điện nhỏ có trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Ty lạp thể sử dụng Glucose và oxy để tạo ra ATP (adenosine triphosphate), nguồn năng lượng chính của cơ thể. Quá trình này được gọi là sản xuất năng lượng theo con đường hiếu khí.

Bất cứ khi nào nồng độ oxy của tế bào giảm và / hoặc các ty lạp thể không hoạt động tốt, cơ thể phải chuyển sang con đường sản xuất năng lượng kém hiệu quả (sản xuất năng lượng theo con đường yếm khí) để chuyển hóa glucose và sản xuất ATP. Các sản phẩm phụ chủ yếu của quá trình yếm khí này là axit lactic. Axit lactic có thể tích lũy khi nó được sản xuất nhanh hơn so với gan có thể chuyển hóa nó.

Khi nồng độ acid lactic tăng đáng kể trong máu, người bị ảnh hưởng được cho là có tăng lactate, có thể tiến triển thành nhiễm acid lactic do axit lactic tích tụ nhiều hơn. Cơ thể có thể tự bù đắp cho những ảnh hưởng của tăng lactate, nhưng nhiễm acid lactic nghiêm trọng đủ để phá vỡ thăng bằng axit / bazơ (pH) Số lượng acid lactic dư xẽ gây ra các triệu chứng như yếu cơ, thở nhanh, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, và thậm chí hôn mê.

qua trinh chuyen hoa lactate mau
Quá trình chuyển hóa lactate trong cơ thể. Nguồn: Nemaura Medical

2. Xét nghiệm lactate máu là gì?

Xét nghiệm lactate máu là một xét nghiệm nhằm đo hàm lượng lactate tồn tại trong máu. Xét nghiệm lactate máu có giá trị cao trong việc chẩn đoán các tình trạng nhiễm chuyển hóa:

  • Tăng axit lactic máu (hyperlactatemia): nồng độ axit lactic trong máu tăng nhưng chưa có sự biến đổi của pH máu.
  • Nhiễm toan lactic (hyperlactacidémie): nồng độ axit lactic trong máu tăng (trên 7mmol/L) kết hợp với pH máu giảm.

Ngoài ra, xét nghiệm lactate máu cũng có ích trong việc tìm và xác định nguyên nhân của các tình trạng nhiễm toan chuyển hóa và tăng khoảng trống anion:

  • Nhiễm toan lactic thứ phát (nhiễm toan lactic type A do giảm oxy mô): các tình trạng sốc do nhiễm khuẩn, do tim hoặc do giảm thể tích,…
  • Nhiễm toan lactic nguyên phát (nhiễm toan lactic typ B không đi kèm với giảm oxy mô): gợi ý căn nguyên suy gan, suy thận mạn, ngộ độc các chất như ethanol, salicylate hoặc tình trạng thiếu hụt enzyme bẩm sinh.

Đặc biệt, xét nghiệm lactate máu được sử dụng nhiều trong hồi sức cấp cứu như một yếu tố tiên lượng. Khi nồng độ lactate trong máu cao hơn 30mmol/L thì có thể nói không tránh khỏi nguy cơ tử vong.

3. Ý nghĩa xét nghiệm lactate máu

Kết quả xét nghiệm lactate máu được xem là bình thường nếu có giá trị lactate/ huyết tương tĩnh mạch nằm trong khoảng từ 5-15 mg/dL (0.63-2.44 mmol/L).

Trường hợp giá trị lactate máu tăng cao đồng nghĩa với việc cơ thể người đó đang tạo ra lactate tích lũy. Hay nói cách khác, mức độ lactate càng cao thì tình trạng bệnh càng nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu lactate tăng kèm theo tình trạng thiếu oxy có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn chức năng các cơ quan.

Tuy nhiên, sự dư thừa lactate thường không có giá trị chẩn đoán bởi nó không giúp xác định nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này mà chỉ là cơ sở để bác sĩ có thể loại trừ hoặc xác nhận lý do dẫn đến các triệu chứng hiện có của người bệnh. Để có thể tìm ra được nguyên nhân và chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ cần phải khám lâm sàng, kết hợp tiền sử bệnh và kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán khác.

Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit lactic trong máu. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu có sử dụng rượu, natri bicarbonat, adrenalin hoặc glucose.

4. Nguyên nhân dẫn đến tăng lactate máu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng lactate máu, tuy nhiên dựa trên cơ chế gây ra nhiễm acid lactic có thể chia những nguyên nhân này thành 2 nhóm chính.

– Nhóm 1: Phổ biến nhất là nhiễm acid lactic loại A do lượng oxy được hấp thu không đủ hoặc giảm tưới máu mô do lưu lượng máu giảm, ví dụ như:

  • Đau tim
  • Nhiễm khuẩn, suy tim sung huyết
  • Bệnh phổi hoặc suy hô hấp nặng
  • Phù phổi
  • Thiếu máu nặng
  • Sốc do mất máu cực độ hoặc do chấn thương

– Nhóm thứ 2: Nhiễm acid lactic loại B, nguyên nhân là do nhu cầu oxy vượt quá mức hoặc các vấn đề liên quan đến sự trao đổi chất:

  • Bệnh gan, thận
  • Bệnh tiểu đường không kiểm soát
  • Bệnh dự trữ glycogen (như thiếu Glucose-6-Phosphatase)
  • Bệnh bạch cầu
  • AIDS
  • Một số loạt thuốc hoặc các chất độc như cyanide, methyl, salicylat,…
  • Các bệnh chuyển hóa và ty lạp thể di truyền như loạn lưỡng cơ
  • Tập thể dục cường độ cao như các vận động viên

5. Khi nào cần xét nghiệm lactate máu ?

Thông thường, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm lactate máu nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau:

  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Buồn nôn
  • Cơ thể xanh xao, nhợt nhạt
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Đau bụng không rõ nguyên nhân
  • Yếu cơ
  • Người rơi vào tình trạng hôn mê
  • Các trường hợp nghi là nhiễm trùng huyết, đau tim, suy tim sung huyết nặng, suy thận hoặc bệnh tiểu đường không kiểm soát được.

Ban đầu, để đánh giá tổng quát tình trạng bệnh của mỗi người, xét nghiệm lactate máu sẽ được chỉ định tiến hành kết hợp với một số xét nghiệm khác. Trong trường hợp tăng đáng kể thì xét nghiệm lactate máu sẽ được lặp lại trong khoảng thời gian nhất định để theo dõi tình trạng bệnh.

Nguồn: Medi Health Care

3.8/5 - (12 votes)

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top