Người dân trên thế giới đang bày tỏ quan ngại về biến thể Omicron – Một biến thể của Covid-19 đã được WHO xác định là một biến thể đáng lo ngại. Cụ thể như thế nào, mời Quý vị theo dõi nội dung dưới đây.
1. Biến thể Omicron là gì?
Omicron là tên một loại biến thể mới của SARS-CoV-2, được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11/2021 và tại Nam Phi vào ngày 14/11/2021. Ban đầu, đây là biến thể B.1.1.529 nhưng đến ngày 26/11/2021, chúng đã được WHO đặt tên là Omicron.
Biến thể Omicron của COVID-19 đã được WHO xác định là một biến thể đáng lo ngại, dựa trên những bằng chứng cho thấy biến thể này có một số đột biến làm thay đổi hành vi của chúng. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm đánh giá khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái nhiễm từ biến thể này.
Biến thể Omicron đã được phát hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Theo báo cáo của WHO, nguy cơ lây lan ra toàn cầu của biến thể này là rất cao.
2. Biến thể Omicron có nguy hiểm không?
So với biến thể Vũ Hán ban đầu thì Omicron có đến 60 đột biến với tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng. Sự phát triển cũng như tốc độ lây lan của biến thể Omicron cho đến ngày hôm nay đã tăng lên cấp số nhân mỗi ngày.
Đến nay đã có 50 quốc gia trên thế giới xuất hiện biến thể này. Tệ hơn nữa, tại Gauteng, Nam Phi, vào ngày 11/11/2021 phát hiện 120 mẫu xét nghiệm biến chủng Omicron đầu tiên và tăng vọt lên đến 2.038 ca chỉ sau 17 ngày.
Nam Phi chính là một trong những quốc gia minh chứng cho tốc độ lây lan của biến thể mới. Kể từ ngày 29/11 đến ngày 03/12/2021 số bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đã tăng gần 7 lần, đỉnh điểm lên hơn 16.000 ca/ngày.
Có 80% trong số ca nhập viện là những người trẻ tuổi và đối với Delta và Beta, nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cũng cao hơn 3 lần thậm chí tốc độ lây lan còn nhanh hơn gấp 5 – 6 lần.
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm biến thể mới và lây lan virus cho người khác. Đặc biệt, theo thông tin từ WHO, người từng nhiễm Covid-19 khi bị tiếp xúc với những người mang biến thể Omicron sẽ có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là những nghiên cứu bước đầu và cần có thêm thời gian theo dõi, giám sát.
Hiện chưa thể so sánh mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron so với các biến chủng khác của COVID-19, bao gồm biến chủng Delta.
Một điều quan trọng cần lưu ý là mọi biến thể COVID-19 đều có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hoặc tử vong, bao gồm cả biến thể phổ biến nhất trên thế giới – biến thể Delta. Vì vậy, hạn chế sự lây lan của virus và giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm của bạn với virus là điều rất quan trọng.
3. Vắc xin Covid-19 có hiệu quả với biến thể này không?
Ngày 15/12/2021, WHO đã đưa ra bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vắc xin ngừa Covid hiện nay có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của biến thể Omicron. Hơn nữa, nguy cơ tái nhiễm biến thể này cũng cao hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó.
Mặc dù nguồn thông tin còn hạn chế, WHO tin rằng chúng ta có thể nhận định các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có khả năng bảo vệ người dân trước các bệnh lý nghiêm trọng và tử vong.
4. Cần làm gì để bảo vệ mình trước biến thể Omicron?
Đây là biến thể có tốc độ lây lan đến “chóng mặt” cùng với nguy cơ tái nhiễm cao nên tất cả mọi người đều phải chủ động chăm sóc sức khỏe và bảo vệ mình.
Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là giảm nguy cơ phơi nhiễm trước virus. Để bảo vệ bản thân và người thân gia đình, hãy đảm bảo:
- Đeo khẩu trang che kín mũi và miệng.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi đeo và tháo khẩu trang.
- Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người xung quanh.
- Tránh các không gian kín khí hoặc tụ tập đông người.
- Mở cửa sổ để lưu thông không khí trong nhà.
- Rửa tay thường xuyên.
- Tiêm phòng đầy đủ khi có thể. Các vắc xin COVID-19 được WHO phê duyệt đều an toàn và hiệu quả.
5. Lời kết
Những biến thể mới như Omicron nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết. Do vậy, mọi người cần tiêm phòng ngay khi có vắc xin và tiếp tục theo dõi các khuyến cáo hiện nay về phòng tránh sự lây lan của virus.
Tham khảo: