Sau khi nâng ngực tại thẩm mỹ viện bằng phương pháp được quảng cáo là nâng ngực không dao kéo, nhiều chị em gặp biến chứng phải nhập viện.
Chị Thủy, 30 tuổi, ở Thanh Hóa, muốn cải thiện kích cỡ vòng ngực. Nhân viên một thẩm mỹ viện tư vấn phương pháp nâng ngực đệm mô lipid “không cần dao kéo, không đau đớn, đẹp nhanh”, chi phí 10 triệu đồng.
Theo chị Thủy, nhân viên tư vấn giải thích cách thức là dùng máy tác động bên ngoài để kích các mô mỡ ngực phát triển, sau đó cấy mô lipid vào mô mỡ dưới da bằng đầu nano chuyên dụng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhân viên lấy máu của chị Thủy, cho biết sẽ tách mỡ từ máu để tiêm vào cơ thể cô.
Cô được gây tê để làm thủ thuật. Nhân viên thẩm mỹ viện tiêm khoảng 10 xilanh dung dịch màu trắng vào cơ thể chị Thủy. “Họ từ chối cho tôi biết đã tiêm chất gì, với lý do là sản phẩm độc quyền, không thể tiết lộ”, chị Thủy kể. Hai tuần sau, ngực sưng lên, cứng bất thường, cô tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám.
Ngày 12/4, tiến sĩ, bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện 108, cho biết kết quả siêu âm cho thấy ngực của bệnh nhân này có nhiều khối hỗn hợp bất thường trong tổ chức mô tuyến vú, chẩn đoán viêm cấp lan tỏa. Phác đồ điều trị là thuốc kèm các liệu pháp tiêu viêm. Tuy nhiên, tình trạng viêm có thể kéo dài thành mạn tính, ảnh hưởng sinh hoạt và tâm lý người bệnh. Bệnh nhân còn đối mặt nguy cơ áp xe, phải mổ rạch tháo ổ dịch, để lại nhiều sẹo trên bầu ngực.
Cũng theo bác sĩ, lấy chất lỏng ra khỏi ngực bệnh nhân để xét nghiệm là việc không dễ dàng. Nếu chất tiêm vào ngực là silicone thì sẽ có tính chất bám dính, tăng nguy cơ gây ung thư.
Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào về hiệu quả nâng ngực bằng huyết tương hoặc bằng mỡ lấy từ máu. “Không có biện pháp nâng ngực nào có thể làm tăng thể tích được ngay trong lần đầu”, bác sĩ chia sẻ.
Mới đây, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu cũng tiếp nhận Hân (26 tuổi, ở Hà Nội), ngực biến dạng sau khi sử dụng phương pháp nâng ngực bằng sóng sung kích. Đây là sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh.
Chi phí ban đầu là 100 triệu đồng, sau đó khi gây mê, nhân viên thẩm mỹ viện cho biết Hân có bệnh ở ngực nên tăng thêm 50 triệu. Hân cho biết bị gây mê nên không rõ đã được tiêm thuốc gì. Vài ngày sau, cô đau nhức vùng ngực, vào bệnh viện kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy các ổ dịch xuất hiện ở phía sau, bên trong và xung quanh nhu mô tuyến vú hai bên.
Một phụ nữ khác, 30 tuổi, đến khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện E, ngay sau khi nâng ngực bằng sóng xung kích tại thẩm mỹ viện. Chị cho biết chỉ sau 5 phút làm thủ thuật, ngực nhô hẳn lên, biến dạng, đau đớn, bóp ra chất lỏng sệt. Nhân viên thẩm mỹ viện giải thích “là thuốc tê pha nước muối”. Nghi ngờ nơi này làm ăn khuất tất, chị đến Bệnh viện E khám.
Bác sĩ phát hiện hai bên ngực của bệnh nhân có lỗ tiêm rất to, bóp ra chất lỏng sền sệt, màu hồng, không rõ loại gì. Bệnh nhân được chẩn đoán bị biến dạng ngực do tiêm chất lỏng (nghi là chất làm đầy), nguy cơ hỏng ngực. Bác sĩ phải hút dịch lỏng cho bệnh nhân, nhưng tiên lượng các khối chất lỏng không thể lấy hết, phải điều trị lâu dài.
Các chuyên gia cho biết không có phương pháp nâng ngực nào mà không phải động dao kéo. Cả chất đã được cấp phép sử dụng trong thẩm mỹ như filler, bác sĩ cũng khuyến cáo không nên tiêm vào ngực, có thể dẫn đến nhiều tổn thương nghiêm trọng như đau kéo dài, sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyên người muốn nâng ngực cần được bác sĩ tư vấn, thực hiện bởi chuyên gia được cấp phép và bệnh viện uy tín.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Lê Nga
Nguồn: VnExpress