Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em tuy có nhiều điểm tương đồng như: sốt cao, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau mỏi cơ xương khớp, tiêu chảy, có thể có dấu hiệu phát ban,… nhưng các chuyên gia y tế cho rằng sốt xuất huyết ở người lớn rất khác ở trẻ em. Mời Quý vị cùng Tổng Đài Y Khoa tìm hiểu rõ hơn về những điểm giống nhau và khác nhau trong nội dung dưới đây.

dau hieu bieu hien trieu chung benh sot xuat huyet o nguoi lon va tre em
Một số triệu chứng thưởng gặp của bệnh sốt xuất huyết

1. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

1.1. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em qua các giai đoạn bệnh:

Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em thường bắt đầu khởi phát từ 4 – 6 ngày sau khi trẻ bị nhiễm virus. Bệnh thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

– Giai đoạn khởi phát:

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em giai đoạn khởi phát điển hình là sốt. Bé thường có biểu hiện sốt cao liên tục và đột ngột trên 38°C. Ngoài ra bé còn có các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết điển hình như: Quấy rối, bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, sung huyết ở da, chảy máu chân răng…

Ở một bạn số bé lớn hơn, bé có thể cho biết đang bị nhức đầu, đau hốc mắt, mệt mỏi, đau nhức khắp các cơ và khớp. Và đặc biệt, dấu hiệu mà bố mẹ dễ nhận biết nhất đó là tình trạng da sung huyết, xuất hiện những đốm đỏ dưới chân lông bé. Ngoài ra, một số bé còn bị xuất huyết đường tiêu hóa, nôn hay đi ngoài ra máu.

– Giai đoạn nguy hiểm:

Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy. Đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết.

Vào thời điểm này, có thể bé đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như: vật vã, bứt rứt, ngủ li bì mê man, đầu lạnh, tứ chi lạnh, da lạnh ẩm, tiểu ít, xuất hiện các mảng bầm tím, xuất huyết dưới da, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. Xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu cam; tiểu ra máu…

Những biến chứng nặng hơn, bé có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.

Ở giai đoạn nguy cấp này, nếu bé không được chữa trị kịp thời, tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và trụy tim mạch xuất hiện rất dễ khiến bé tử vong.

– Giai đoạn hồi phục sau khi trẻ bị sốt xuất huyết:

Ở giai đoạn này bé đã hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên. Sau 2 – 3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, bé sẽ dấu hiệu điển hình là:

  • Bé đã có cảm giác thèm ăn.
  • Bé đi tiểu nhiều hơn.
  • Trên kết quả xét xét nghiệm Tổng phân tích tế bào máu (công thức máu/ huyết đồ), tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.

1.2. Cách xử trí khi trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết:

  • Không cạo gió.
  • Tuyệt đối KHÔNG dùng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt vì 2 loại thuốc này có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm.
  • Nếu có một trong các dấu hiệu này cần cho trẻ nhập viện ngay: Sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chân tay lạnh, trẻ đang tỉnh táo bỗng lừ đừ, có khi vật vã, đau bụng dữ dội, da đổi màu.

2. Triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn tuy có các triệu chứng tương đồng với ở trẻ em như sốt cao, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau mỏi cơ xương khớp, tiêu chảy, có thể có dấu hiệu phát ban,… nhưng sốt xuất huyết ở người lớn cũng có nhiều điểm khác ở trẻ em.

2.1 Người lớn mắc sốt xuất huyết sẽ có những biểu hiện sau:

  • Sốt: bệnh nhân luôn xuất hiện sốt, với đặc điểm sốt cao đột ngột, 39 – 40°C, sốt khó hạ, kéo dài từ 2 – 7 ngày.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết, phát ban.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Xuất huyết khi tiêm chích biểu hiện là xuất hiện các nốt bầm tím quanh nơi tiêm.
  • Xuất huyết tự nhiên biểu hiện là cơ thể có thể xuất hiện các nốt ban.
  • Xuất huyết ngoài da biểu hiện là Xuất huyết ở lòng bàn chân, gan bàn tay, mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay có các nốt bầm tím hoặc các chấm Xuất huyết.
  • Xuất huyết ở niêm mạc với các biểu hiện là thường gặp với phụ nữ là kinh nguyệt có thể kéo dài hơn hoặc ra sớm hơn bình thường; đối với nam giới thường là bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu.
  • Xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện là đi đại tiện ra máu, nôn ra máu kèm theo các biểu hiện liên quan đến thần kinh nhức đầu, đau cơ, đau khớp.

Khi xuất hiện các triệu chứng sau là dấu hiệu cảnh báo, bệnh nặng:

  • Vật vã, hoặc lừ đừ, li bì; chân tay lạnh, da lạnh ẩm.
  • Đau tại vùng gan, hoặc ấn đau vùng gan.
  • Gan to.
  • Nôn nhiều.
  • Đi tiểu ít.
  • Chảy máu niêm mạc, chảy máu nặng: chảy máu cam nặng, rong kinh, nôn ra máu, đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen, đi tiểu ra máu…
  • Rối loạn tri giác, sốc.

2.2 Cách xử lý khi có dấu hiệu sốt xuất huyết

Người lớn mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).

Trong quá trình diễn biến của sốt xuất huyết, bệnh có thể diễn tiến từ thể nhẹ sang thể bệnh nặng. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên bạn cần phải đến các cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi, điều trị kịp thời.

3. Lời khuyên

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả. Hiện tại, cũng chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đặc hiệu với loại bệnh này, việc điều trị bệnh chủ yếu chỉ gồm những hoạt động theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.

Do đó, khi thấy có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn cũng như trẻ em, bản thân người bệnh (người lớn) cũng như người thân trong gia đình không được chủ quan, không tự ý tự điều trị tại nhà, cần đưa người bệnh tới bệnh viện khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh.

Hương Ngô (TH)

Đánh giá bài viết

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top