Mặc dù hầu hết những người mắc COVID-19 trở nên khỏe hơn chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, một vài người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID hay Hội chứng COVID kéo dài.
Bệnh sau khi mắc COVID là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, đang tái phát hoặc đang diễn ra mà mọi người có thể gặp phải trong khoảng bốn tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm vi-rút gây ra COVID-19. Thậm chí những người không có các triệu chứng COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm có thể có các bệnh sau khi mắc COVID. Các tình trạng này có thể có nhiều loại và mắc kết hợp nhiều bệnh trạng trong thời gian khác nhau.
Các bệnh sau khi mắc COVID có thể được biết đến như di chứng COVID, hội chứng COVID kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của COVID hoặc COVID mãn tính. CDC và các chuyên gia trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe liên quan đến COVID-19, người nào bị mắc và tại sao.
1. Hội chứng COVID kéo dài
– Các triệu chứng mới hoặc đang tiếp diễn
Vài người có một loạt các triệu chứng mới hoặc đang tiếp diễn có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi bị lây nhiễm với vi-rút gây ra COVID-19. Không giống với một số loại bệnh sau khi mắc COVID khác chỉ có xu hướng xảy ra ở những người đã mắc bệnh nghiêm trọng, các triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc nếu ban đầu họ không có các triệu chứng. Mọi người thường báo cáo rằng họ có các triệu chứng khác nhau sau đây:
- Khó thở hoặc hụt hơi
- Mệt mỏi hay chóng mặt
- Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau khi hoạt động thể chất hay trí não
- Khó suy nghĩ hay tập trung (đôi khi còn được gọi là “sương mù não”)
- Ho
- Đau ngực hoặc dạ dày
- Đau đầu
- Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (còn được gọi là trống ngực)
- Đau cơ hay khớp
- Cảm giác tê râm ran
- Tiêu chảy
- Gặp vấn đề về giấc ngủ
- Sốt
- Chóng mặt khi đứng dậy (choáng váng)
- Phát ban
- Thay đổi tâm trạng
- Thay đổi về vị giác và khứu giác
- Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt
– Ảnh hưởng đa cơ quan của COVID-19
Một số người đã từng mắc các bệnh nghiêm trọng do COVID-19 gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. Ảnh hưởng đa cơ quan có thể ảnh hưởng hầu hết, nếu không phải là tất cả, hệ thống cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não. Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn, gây viêm (sưng đau) hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.
Mặc dù rất hiếm nhưng một số người, chủ yếu là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống (MIS) trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19. MIS là tình trạng khi đó các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm. MIS có thể dẫn đến các tình trạng sau khi mắc COVID nếu tiếp tục gặp các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc các triệu chứng khác.
– Ảnh hưởng của việc Bệnh hoặc Nhập viện do COVID-19
Nhập viện và mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến phổi, bao gồm COVID-19, có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như suy nhược nghiêm trọng và kiệt sức trong thời gian hồi phục.
Ảnh hưởng của việc nhập viện cũng có thể bao gồm hội chứng hậu săn sóc đặc biệt (PICS), tức là các ảnh hưởng sức khỏe bắt đầu khi một người ở trong phòng săn sóc đặc biệt (ICU) và có thể vẫn còn sau khi xuất viện. Những ảnh hưởng này có thể gồm suy nhược nghiêm trọng, các vấn đề về suy nghĩ và phán đoán và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD). PTSD bao gồm các phản ứng kéo dài đối với một sự kiện cực kỳ căng thẳng.
Một số triệu chứng xuất hiện sau khi nhập viện tương tự với những triệu chứng mà những người ban đầu có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gặp phải nhiều tuần sau khi mắc COVID-19. Có thể khó nhận biết liệu những triệu chứng này là do ảnh hưởng của việc nhập viện, tác động kéo dài của vi-rút hay do cả 2 yếu tố này hay không. Những tình trạng này cũng có thể phức tạp do các tác động khác liên quan đến đại dịch COVID-19, bao gồm các ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do bị cô lập, tình hình kinh tế tiêu cực và thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe để quản lý các bệnh tiềm ẩn. Những tác nhân này ảnh hưởng tới cả những người đã từng mắc hoặc chưa từng mắc COVID-19.
2. Phòng Ngừa
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh sau khi mắc COVID là tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt. Chủng ngừa COVID-19 được khuyến nghị cho tất cả độ tuổi từ 12 trở lên, kể cả quý vị đã từng mắc COVID-19 hay có các bệnh sau khi mắc COVID hay chưa.
3. Những cách quan trọng để làm chậm sự lây lan của COVID-19
- Tiêm vắc-xin COVID-19 càng sớm càng tốt. Tìm vắc-xin.
- Đeo loại khẩu trang che kín mũi và miệng để bảo vệ bản thân và người khác.
- Giữ khoảng cách 6 feet với những người không sống cùng quý vị.
- Tránh đám đông và những không gian trong nhà bị thông gió kém.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Sử dụng dung dịch sát trùng tay nếu không có xà phòng và nước.
Nếu quý vị chưa được tiêm phòng đầy đủ, hãy ngăn ngừa các biến chứng lâu dài bằng cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi COVID-19.
Mặc dù các bài báo đã báo cáo rằng một vài người bị di chứng COVID cho biết các triệu chứng của họ được cải thiện sau khi tiêm vắc-xin, vẫn cần tiến hành nghiên cứu thêm để xác định ảnh hưởng của vắc-xin đối với các bệnh sau khi mắc COVID.