☰ MỤC LỤC
- Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm trạng nguy hiểm, tác động nhiều đến mặt tinh thần. Người bệnh trầm cảm thường có cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài gây ảnh hưởng tới thể chất của người bệnh, thậm chí khiến người bệnh có ý định gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân hoặc người thân.
- 1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm trạng nguy hiểm, tác động nhiều đến mặt tinh thần. Người bệnh trầm cảm thường có cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài gây ảnh hưởng tới thể chất của người bệnh, thậm chí khiến người bệnh có ý định gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân hoặc người thân.
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm (tên tiếng Anh là Depression) là một căn bệnh rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã, mất mát và chán nản, đồng thời khiến người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân mình hoặc làm hại tới những nguòi xung quanh… Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, tình cảm, suy nghĩ và hành xử của người bệnh mà còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề về thể chất.
Trầm cảm có các biểu hiện như: Mất ngủ hoặc ngủ triền miên, kích động hoặc trở nên chậm chạp, mệt mỏi hoặc mất sức, cảm giác vô dụng, vô giá trị hoặc mặc cảm tội lỗi, giảm khả năng tập trung, do dự, hay nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát… Dựa vào những triệu chứng và mức độ của các dấu hiệu này mà bệnh trầm cảm được được chia thành 03 mức độ: nhẹ – vừa – nặng.
Trầm cảm rất phổ biến, kkhông phân biệt giới tính hay độ tuổi, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Theo thống kê hiện nay, có đến 80% dân số trên thế giới sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời của mình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm. Mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm.
2. Stress có phải là trầm cảm không?
Stress và trầm cảm (Depression) là hai bệnh khác nhau, nhưng thường bị nhầm lẫn là một bệnh do có chung một số dấu hiệu. Các dấu hiệu của bệnh stress có nhiều nét tương đồng với bệnh trầm cảm giai đoạn nhẹ.
Bệnh stress (hay còn gọi là căng thẳng) là phản ứng của cơ thể trước một sự kiện hoặc tình huống gây áp lực cả về thể chất và tinh thần. Trong khi đó, bệnh trầm cảm là một rối loạn tâm thần, làm thay đổi các hoạt động chức năng của não.
Căng thẳng có thể được khắc phục bằng cách thay đổi lối sống, tuy nhiên người bị trầm cảm có thể cần phải điều trị, chăm sóc đặc biệt để trở lại trạng thái bình thường.
Những thay đổi tâm lý và thể chất khi bị trầm cảm là do các thay đổi hóa học bên trong của não bộ. Điều này khiến các triệu chứng của bệnh trầm cảm xảy ra nghiêm trọng và kéo dài lâu hơn căng thẳng, stress.
3. Trầm cảm có nguy hiểm không ?
Trầm cảm là một căn bệnh tâm thần rất nguy hiểm. Trầm cảm gây ra rất nhiều những nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh, đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng rất khó lường trước, như:
- Người bị bệnh trầm cảm thường xuyên mất ngủ khiến cho sức khỏe giảm sút, tinh thần trí tuệ kém minh mẫn, ảnh hưởng đến công việc và đời sống hằng ngày.
- Trầm cảm khiến cho người bị bệnh có vấn đề với ăn uống, rối loạn về thèm ăn, lâu dài khiến cho suy nhược cơ thể nghiêm trọng
- Trầm cảm khiến cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới công danh, sự nghiệp, thậm chí gây ra rạn nứt tình cảm gia đình.
- Trầm cảm khiến bệnh nhân luôn bị cảm giác bi quan, suy nghĩ thiếu tích cực, mất cảm hứng với các hoạt động cơ bản bao gồm cả công việc tại cơ quan hay công việc gia đình.
- Trầm cảm trong diễn biến xấu nhất có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát, hoặc giết người.
- Ngoài ra, trầm cảm là yếu tố khiến cho các bệnh lý khác trở nên trầm trọng, phức tạp, khó điều trị hơn như: tim mạch, dạ dày, tuyến giáp…
Đặc biệt nguy hiểm, nếu người bệnh không vượt qua được giai đoạn trầm cảm hoặc không được điều trị kịp thời, trầm cảm có thể khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí tạo ra những kết cục rất bi thảm, như: tự tử, mẹ giết con, vợ giết chồng,…
4. Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm
Hiện nay, y học chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Trầm cảm thường phổ biến ở những gia đình có người bị mắc bệnh trầm cảm.
- Sự mất cân bằng của nồng độ serotonin trong não: Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những thay đổi về chức năng và hiệu quả của các chất dẫn truyền thần kinh cùng với cách chúng tương tác với các mạch thần kinh tham gia duy trì ổn định tâm trạng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh trầm cảm.
- Hormone: Sự mất cân bằng của Hormone trong cơ thể có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra trầm cảm. Những thay đổi Hormone gây ra một số vấn đề trong những tuần hoặc vài tháng sau khi sinh (sau sinh) đối với phụ nữ sinh nở và các vấn đề về tuyến giáp, mãn kinh hoặc một số bệnh lý khác.
- Stress – căng thẳng: là một trong những yếu tố lớn gây ra trầm cảm.
- Những chấn thương lớn ảnh hưởng tới người bệnh: bị mù, bị cụt tay, chân, mất khả năng sinh sản…
5. Những ai dễ bị trầm cảm ?
Trầm cảm có thể đến với mọi người, tuy nhiên lứa tuổi phổ biến vào khoảng 18-45 tuổi, ngoài ra, độ tuổi trung niên và tuổi già cũng dễ gặp rối loạn này. Đây là nhóm sẽ đối diện với nhiều yêu cầu từ xã hội, và các thay đổi trong cuộc sống (tìm việc làm, kết hôn, sinh con vào độ tuổi vị thành niên, về hưu …). Tuy nhiên, nghiên cứu y khoa thống kê còn rất nhiều đối tượng dễ mắc rối loạn trầm cảm, có thể kể đến những nhóm sau:
- Có tiền sử rối loạn lưỡng cực
- Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
- Lạm dụng tình dục
- Những tổn thương thời thơ ấu
- Một số đặc điểm tính cách, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp hoặc sống phụ thuộc
- Bệnh nặng, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh tim
- Một số loại thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc ngủ
- Những căng thẳng vì môi trường sống
Nguy cơ trầm cảm cũng có thể tăng lên trong các trường hợp:
- Có người trong gia đình có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc nghiện rượu
- Đã trải qua những sự kiện khiến bạn suy sụp, “sốc” như sự ra đi của người thân yêu nhất
- Trầm cảm sau khi sinh nở
- Trong gia đình có người tự sát
- Rất ít bạn bè hoặc các mối quan hệ cá nhân khác
6. Những dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh trầm cảm
– Những dấu hiệu thường gặp của bệnh trầm cảm
Các biểu hiện của bệnh trầm cảm có thể khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên đa số người bệnh thường có những biểu hiện dưới đây:
- Vấn đề với giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài;
- Vấn đề về ăn uống: cảm giác chán ăn, ăn không ngon thường xuyên;
- Cơ thể khó chịu, tâm thần bất an: Luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, không thoải mái và lo lắng;
- Ngại giao tiếp xã hội: Không muốn nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh;
- Chậm chạp, không có hứng thú với bất kỳ điều gì: Chán nản, buồn rầu, mất cảm hứng đối với nhiều thứ, không duy trì được hưng phấn thậm chí không còn hưng phấn;
- Luôn bi quan trong mọi việc: Luôn nhìn nhận mọi việc một cách thiếu lạc quan, cảm thấy mọi thứ sẽ tồi tệ;
- Luôn tự ti về bản thân: Luôn lo lắng bản thân kém cỏi, sợ hãi;
- Có ý nghĩ tự tử hoặc đã từng tự sát;
– Dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh thường gặp ở các bà mẹ lần đầu sinh con, hoặc những bà mẹ sinh quá nhiều con nhưng thiếu sự hỗ trợ từ gia đình hoặc xã hội. Người mẹ rơi vào tâm trạng lo lắng, thiếu ngủ, cáu gắt, hoặc khóc lóc, có thể khó kiểm soát hành vi, làm đau em bé, hoảng sợ khi con khóc…
– Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên
- Tự đánh giá thấp bản thân
- Có những hành vi gây hấn, kích động
- Rối loạn giấc ngủ
- Có các khó chịu, than phiền về cơ thể
- Mất năng lượng
- Chán học hoặc học tập sa sút
- Hay một số trẻ trở nên ngoan quá mức, tách biệt, lãnh đạm
– Dấu hiệu trầm cảm ở người lớn tuổi
Trầm cảm ở người lớn tuổi thường bị xem nhẹ, hiểu lầm thành các dấu hiệu về tâm lý như “người già thường hay thế” nên không đi khám, trị liệu. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi có thể như sau:
- Giảm trí nhớ hoặc thay đổi nhân cách
- Đau nhức toàn thân
- Mệt mỏi, mất ăn, khó ngủ
- Thường muốn ở nhà hơn là đi ra ngoài, ngại giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể
- Tự tử hoặc suy nghĩ muốn tự tử, đặc biệt ở những người đàn ông lớn tuổi
7. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu bạn cảm thấy chán nản vài ngày với các biểu hiện triệu chứng như ở trên, hãy hẹn gặp bác sĩ ngay khi có thể. Trầm cảm có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu nó không được điều trị. Vì bản thân và người thân của bạn, đừng chủ quan.
Chú ý rằng: Trầm cảm không chỉ tác hại nghiêm trọng tới người bị bệnh mà thậm chí nó có thể còn đặt những người xung quanh vào tình trạng nguy hiểm không mong muốn. Khi có các dấu hiệu như kể trên, bạn nên sớm tới khám tại các cơ sở y tế uy tín có khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh được điều trị càng sớm, các tác hại của bệnh càng được giảm thiểu.
8. Chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm
– Chẩn đoán bệnh trầm cảm
Trầm cảm được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định bệnh, đánh giá mức độ trầm cảm, từ đó bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
Bệnh trầm cảm rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt là nhóm bệnh tâm thần. Do đó, bác sĩ cũng sẽ có những kinh nghiệm và cách thức chuyên môn để xác định đúng tình hình của bệnh nhân.
Bác sĩ có thể chỉ định bạn làm một số xét nghiệm để đo nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, xác định nguyên nhân gây bệnh trầm cảm và loại trừ các khả năng khác.
– Điều trị bệnh trầm cảm
Các phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến hiện nay bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc: Đây là phương pháp phổ biến để điều trị bệnh trầm cảm. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc chống trầm cảm hữu ích cho những người bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Chúng thường không được khuyên dùng cho trường hợp trầm cảm nhẹ, vì trầm cảm thể nhẹ có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Các loại thuốc và liều lượng, thời gian điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định. Hiện nay, các thuốc phổ biến được dùng điều trị trầm cảm như: thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế monoamine oxidase, thuốc chống trầm cảm không điển hình.
- Điều trị tâm lý: Điều trị tâm lý được xem là liệu pháp chữa trị trầm cảm phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại. Các tâm lý gia được đào tạo bài bản các liệu pháp và kỹ thuật để đồng hành hỗ trợ tâm lý với bệnh nhân. Việc trị liệu tâm lý không chỉ giúp bệnh nhân dần dần hồi phục trở lại, thoát khỏi sự phiền nhiễu của trầm cảm, mà đó còn là hành trình giúp bệnh nhân hiểu thêm bản thân mình, gia tăng sự tự tin và thích nghi với đời sống hơn.
9. Ngăn ngừa bệnh trầm cảm
Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, đây là một căn bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc. Bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách xây dựng một môi trường sống, môi trường học tập, làm việc lành mạnh, vui vẻ, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Về chế độ sinh hoạt, bạn nên xây dựng và duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập trung vào các thực phẩm giàu Omega 3, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Với trường hợp bị trầm cảm do nguyên nhân nội sinh, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm có khả năng tăng tuần hoàn máu và cải thiện tâm trạng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích, tập thể dục đều đặn, tránh thức đêm và không dành quá nhiều thời gian để chơi game, sử dụng internet và các ứng dụng mạng xã hội, thay vào đó, bạn nên phát triển các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm là trò chuyện với mọi người, đặc biệt, bạn hãy trò chuyện với mọi người khi có gặp những chuyện không vui, khi đang cảm thấy có những áp lực từ gia đình, công việc, học tập,… đừng để bản thân một mình với nỗi buồn, lo.
Nếu bạn nghĩ mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.
Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.
Hãy nhớ rằng điều quan trọng là bạn phải vượt qua được chính bản thân mình. Yêu cầu giúp đỡ là một dấu hiệu của sức mạnh.
10. Lời kết
Trầm cảm là bệnh, cần phải được điều trị với các bác sĩ khoa tâm thần kinh. Tùy vào thể trạng bệnh nhân, bệnh cần trị liệu trong thời gian dài hoặc ngắn. Vì một cuộc sống tốt hơn, bản thân người bệnh và người thân cần có thái độ tích cực khi đối mặt với căn bệnh này.
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ trầm cảm, người bệnh không nên xem nhẹ hay bỏ mặc cơ thể mà cần đến cơ sở y tế có chuyên môn, trình độ cao để được khám, đánh giá mức độ trầm cảm cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Tham khảo: