COVID-19 có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh cúm như sốt, ho… Vậy làm sao để nhận biết mình có bị nhiễm COVID hay không? Bạn có thể tham khảo những triệu chứng mắc COVID theo từng ngày dưới đây.
1. Thời gian ủ bệnh của COVID-19 là bao lâu?
Khi một người nhiễm virus Sars-CoV-2 (virus gây ra dịch COVID-19), người bệnh sẽ chưa có triệu chứng ngay, mà cần một khoảng thời gian gọi là thời gian ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh của COVID-19 có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và tùy vào chủng virus Sars-CoV-2.
Theo CDC Mỹ, các triệu chứng Covid-19 thường xuất hiện từ ngày thứ 2-14 sau khi nhiễm virus tùy thuộc vào từng cá thể, trung bình là 5-7 ngày. Riêng với biến thể Delta, thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ khoảng 2-4 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể truyền bệnh cho người khác.
Bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết: Thời gian ủ bệnh của COVID-19 là bao lâu?
2. Các triệu chứng mắc COVID
Theo văn bản “Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV- 2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” được ban hành theo quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế, người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.
- Triệu chứng hay gặp khi khởi phát là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
- Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7- 8 ngày.
- Thời kỳ hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có hội chứng hô hấp cấp tiến triển, bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Hầu hết bệnh nhân (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Khoảng 14% số bệnh nhân diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Ở trẻ em, đa số trẻ mắc COVID-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi.
Một số trẻ mắc COVID-19 có tổn thương viêm đa cơ quan: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
3. Triệu chứng mắc COVID theo từng ngày
Dưới đây là chi tiết các triệu chứng mắc COVID diễn biến theo từng ngày, tính từ thời điểm cơ thể nhiễm virus Sars-CoV-2. Các triệu chứng này có thể khác nhau tùy cơ địa mỗi người.
Ngày 1 đến ngày 3:
- Triệu chứng giống bệnh cảm.
- Viêm họng nhẹ, hơi đau.
- Không nóng sốt. Không mệt mỏi, vẫn ăn uống bình thường.
Ngày 4:
- Cổ họng đau nhẹ, người nôn nao.
- Bắt đầu khan tiếng.
- Nhiệt độ cơ thể dao động ~ 36.5 (tuỳ người).
- Bắt đầu chán ăn.
- Đau đầu nhẹ. Tiêu chảy nhẹ.
Ngày 5:
- Đau họng, khan tiếng hơn.
- Cơ thể nóng nhẹ. Nhiệt độ từ 36.5~36.7.
- Người mệt mỏi, cảm thấy đau khớp xương.
* Giai đoạn này khó nhận ra là cảm hay là nhiễm corona.
Ngày 6:
- Bắt đầu sốt nhẹ.
- Ho có đàm hoặc ho khan.
- Đau họng khi ăn, nói hay nuốt nước bọt.
- Mệt mỏi, buồn nôn.
- Thỉnh thoảng khó khăn trong việc hít thở.
- Lưng, ngón tay đau lâm râm.
- Tiêu chảy, có thể nôn ói.
Ngày 7:
- Sốt cao hơn từ 37.4~37.8.
- Ho nhiều hơn, đàm nhiều hơn.
- Toàn thân đau nhức. Đầu nặng như đeo đá.
- Tần suất khó thở vẫn như cũ.
- Tiêu chảy nhiều hơn.
- Nôn ói
Ngày 8:
- Sốt gần mức 38 hoặc trên 38.
- Khó thở hơn, mỗi khi hít thở cảm thấy nặng lồng ngực. Hơi thở khò khè.
- Ho liên tục, đàm nhiều, tắt tiếng.
- Đầu đau, khớp xương đau, lưng đau…
Ngày 9:
- Các triệu chứng không thêm mà trở nên nặng hơn.
- Sốt tăng giảm lộn xộn.
- Ho không bớt mà nặng hơn trước.
- Dù cố gắng vẫn cảm thấy khó hít thở.
Tùy vào cơ địa mỗi người mà các triệu chứng trên có thể khác nhau về mức độ nặng/ nhẹ, về thời gian xuất hiện triệu chứng. Bạn cần đi khám ngay lập tức nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng (Khó thở, đau hoặc tức ngực, mất khả năng nói hoặc cử động). Luôn gọi điện trước khi gặp bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị COVID-19. Khi chưa được chích vaccine COVID-19 thì phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chủ động, như: mang khẩu trang, sử dụng kính chống giọt bắn, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đúng tình huống, vệ sinh bề mặt môi trường, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người…
TĐYK (TH)
Nguồn tham khảo: