☰ MỤC LỤC
- Xét nghiệm kháng thể COVID sau khi tiêm vaccine COVID-19 có lẽ đang là mối quan tâm của nhiều người tại thời điểm này, khi mà nhiều người dân đã được tiêm vaccine. Vậy xét nghiệm kháng thể COVID là gì? Xét nghiệm này lấy mẫu dịch vùng tỵ hầu hay lấy mẫu máu? Nội dung dưới đây sẽ giúp Quý vị hiểu rõ hơn các vấn đề này.
Xét nghiệm kháng thể COVID sau khi tiêm vaccine COVID-19 có lẽ đang là mối quan tâm của nhiều người tại thời điểm này, khi mà nhiều người dân đã được tiêm vaccine. Vậy xét nghiệm kháng thể COVID là gì? Xét nghiệm này lấy mẫu dịch vùng tỵ hầu hay lấy mẫu máu? Nội dung dưới đây sẽ giúp Quý vị hiểu rõ hơn các vấn đề này.
1. Xét nghiệm kháng thể COVID là gì?
– Trước hết, chúng ta cần hiểu kháng thể là gì?
Kháng thể là các protein đặc biệt (IgM, IgG) mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng, hiểu đơn giản đây là hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus.
Điều kiện để cơ thể có kháng thể kháng một loại virus nào đó là bạn đã nhiễm virus đó và đã khỏi bệnh, hoặc bạn đã tiêm vaccine phòng bệnh.
– Xét nghiệm kháng thể COVID là gì?
Nếu bạn đã tiếp xúc với virus COVID-19 hoặc được tiêm vaccine COVID-19, sau một khoảng thời gian cơ thể bạn sẽ sản xuất ra các kháng thể.
Xét nghiệm kháng thể COVID là một xét nghiệm miễn dịch sử dụng mẫu máu để định lượng nồng độ kháng thể trong máu, giúp biết được lượng kháng thể được cơ thể sinh ra có đủ để bảo vệ bạn trước virus Sars-CoV-2 (COVID-19) không khi không may nhiễm hoặc nhiễm lại virus virus Sars-CoV-2 (COVID-19).
Để xét nghiệm kháng thể COVID, kỹ thuật viên xét nghiệm hoặc điều dưỡng sẽ lấy mẫu máu của bạn và mang tới phòng xét nghiệm để thực hiện.
Hiện nay có 02 kỹ thuật để tìm kháng thể:
- Kỹ thuật ELISA: là kỹ thuật miễn dịch đánh dấu sử dụng công nghệ hóa phát quang tự động giúp định lượng nồng độ kháng thể trong máu. Thời gian có kết quả khoảng từ một đến vài giờ.
- Kỹ thuật sắc ký miễn dịch (xét nghiệm nhanh hay test nhanh): định tính kháng thể (cho kết quả âm tính hoặc dương tính tương tự như que thử thai). Kỹ thuật này đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh, chỉ cần 15-20 phút đã có kết quả có hay không có kháng thể. Kỹ thuật này không thể đánh giá được nồng độ kháng thể đủ hay thiếu.
– Mục đích của xét nghiệm kháng thể COVID
- Đánh giá đáp ứng miễn dịch của người được tiêm vaccine.
- Đánh giá tình trạng người bệnh trong giai đoạn bình phục sau nhiễm SARS-CoV-2 phù hợp hiến huyết tương.
- Hỗ trợ cho việc truy vết tiếp xúc nhiễm virus SARS-CoV-2.
- Kết quả từ xét nghiệm test SARS-CoV-2 IgG giúp định lượng kháng thể, xác định tính sinh miễn dịch sau tiêm vaccine hoặc sau khi đã hồi phục từ nhiễm tự nhiên virus SARS-CoV-2.
2. Xét nghiệm kháng thể COVID có cần thiết không?
Chúng ta đều biết rằng, với những người từng mắc Covid-19 và người đã tiêm đủ 02 mũi vaccine Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể ngăn ngừa bệnh. Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người mà lượng kháng thể sinh ra sẽ nhiều hay ít, có đủ kháng thể sau 02-03 tuần hay cần thời gian lâu hơn nữa.
Xét nghiệm kháng thể COVID sẽ giúp bạn phát hiện cơ thể có thực sự sản sinh kháng thể chống virus Sars-CoV-2 (COVID-19) hay không và cơ thể đã đạt được khả năng miễn dịch với virus này hay chưa.
3. Những ai cần xét nghiệm kháng thể COVID?
Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp dưới đây, bạn nên xét nghiệm kháng thể COVID:
- Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 2 tuần đến 3 tuần.
- Người đã từng mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi xét nghiệm để biết trong cơ thể có kháng thể chống virus hay chưa.
- Người đang trong giai đoạn điều trị COVID-19 xét nghiệm kháng thể chẩn đoán khả năng điều trị bệnh.
- Người có nguy cơ nhiễm COVID-19: tiếp xúc với F0, trở về từ vùng dịch, ở trong khu cách ly,…
4. Tiêm vaccine COVID-19 sau bao lâu cần xét nghiệm kháng thể?
Thường phải mất một khoảng thời gian sau khi tiêm phòng, cơ thể mới tạo dựng hàng rào bảo vệ (miễn dịch) chống lại virus Sars-CoV-2 (COVID-19). Khoảng thời gian này khác nhau ở mỗi người, tùy vào cơ địa. Với những người đã từng mắc COVID-19 cũng có loại kháng thể này.
Nghiên cứu hiện tại cho thấy tốt nhất là nên làm xét nghiệm kháng thể COVID-19 sau khi tiêm vaccine COVID-19 từ 02-03 tuần.
5. Chỉ số kháng thể sau tiêm vaccine COVID-19 bao nhiêu là đạt?
Khả năng đáp ứng với vaccine COVID-19 ở mỗi người không giống nhau. Do vậy, nồng độ kháng thể COVID được sản sinh cũng không giống nhau. Khi xét nghiệm kháng thể COVID-19, có thể xảy ra các trường hợp kết quả như sau:
- Nồng độ kháng thể trên chỉ số bình thường: Dương tính => Có đáp ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
- Nồng độ kháng thể dưới chỉ số bình thường: Âm tính => Chưa đáp ứng miễn dịch.
Hiện tại, đang có 02 hệ máy thực hiện xét nghiệm kháng thể COVID nên đơn vị và chỉ số bình thường cũng khác nhau với các hệ máy (U/ml đối với máy xét nghiệm Roche và AU/ml đối với máy xét nghiệm DiaSorin).
Công thức chuyển đổi đơn vị giữa kết quả xét nghiệm trên máy Roche và máy DiaSorin như sau: U/ml = 0.972*BAU và BAU/ml = AU/ml * 2,6.
Tùy theo phòng xét nghiệm và máy xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm kháng thể COVID sẽ có con số khác nhau và chỉ số bình thường khác nhau, đôi khi làm bạn khó so sánh. Tốt nhất, Sau khi xét nghiệm kháng thể và có kết quả, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về kết quả và những lưu ý cần thiết khác. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện loại xét nghiệm kháng thể thứ hai để xem xét nghiệm đầu tiên có chính xác không.
Nguồn: theo VJcare
Xin chỉ giúp: Kết quả xét nghiệm kháng thể covid 19 là 239.9 U/ml khi chuyển đổi sang AU/ml và AU/ml là bao nhiêu.
Xin cảm ơn
Xét nghiệm định lượng kháng thể virus Sars-CoV-2 hiện tại còn khá mới, chưa có chuẩn chung, do đó việc quy đổi đơn vị (AU/mL, U/mL, BAU/mL) cũng khá phức tạp. Lý do là: mỗi máy xét nghiệm (Roche, DiaSorin, Abbott,…) và hóa chất thực hiện có một hệ số quy đổi đơn vị khác nhau.
Ngay cả việc so sánh kết quả xét nghiệm kháng thể virus Sars-CoV-2 do các phòng xét nghiệm khác nhau thực hiện cũng rất khó, do máy xét nghiệm, hóa chất thử và do việc có pha loãng mẫu xét nghiệm hay không.
Anh cũng không cần quá quan tâm tới đơn vị của kết quả xét nghiệm. Điều anh cần quan tâm là khoảng tham chiếu kết quả xem kết quả xét nghiệm của mình đạt ở mức nào.