Viêm gan C có chữa được không là mối quan tâm của rất nhiều người đang nhiễm virus siêu vi C. Đây cũng là điều dễ hiểu vì bệnh viêm gan C nếu không điều trị sớm thì có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Mời Quý vị cùng Tổng đài Y khoa đi tìm câu trả lời trong nội dung dưới đây.
1. Bệnh viêm gan C là gì?
Bệnh viêm gan siêu vi C (thường gọi tắt là bệnh viêm gan C) là bệnh truyền nhiễm do virus siêu vi C (HCV) gây ra. Bệnh thường không có triệu chứng trong thời gian mới mắc bệnh, nhưng viêm gan C mạn tính có thể dẫn đến mô sẹo ở gan và cuối cùng là xơ gan. Nhìn chung, triệu chứng của xơ gan biểu hiện rõ sau nhiều năm mắc phải. Trong một số trường hợp, bệnh nhân xơ gan sẽ bị suy gan, ung thư gan hoặc thực quản và giãn tĩnh mạch dạ dày có thể gây tử vong.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,75 triệu ca nhiễm mới virus viêm gan C. Ước tính vào năm 2015, toàn thế giới có 71 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Đông Nam Á là một trong những khu vực có số người nhiễm virus viêm gan C cao thứ hai trên thế giới. Tính đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Theo báo cáo ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan virus C do Bộ Y tế thực hiện, đến năm 2030, tỷ lệ nhiễm mới virus viêm gan C tại Việt Nam sẽ giảm, nhưng tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư gan và xơ gan tăng lên.
2. Viêm gan C – Sát thủ thầm lặng
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết, cùng với viêm gan B thì viêm gan C cũng được xem là “sát thủ thầm lặng” bởi hầu hết người bị nhiễm loại virus này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu; chỉ khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan mới biết.
Hầu hết các trường hợp viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng đặc biệt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu và có một số triệu chứng giống cảm cúm. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đau tức vùng gan. Tuy vậy, triệu chứng đau và vàng da, vàng mắt đôi khi chỉ nhẹ làm cho người bệnh không để ý dễ bỏ qua mặc dù gan đang trong thời kỳ viêm rất nặng.
Bệnh viêm gan C có số người bệnh tự khỏi chỉ chiếm khoảng 15%-30%. Số còn lại hoặc sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang virus viêm gan C. Ðặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng qua 10-30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi bị viêm gan C mạn tính, có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10%-20%), nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%).
Ước tính có 4%-6% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người Việt Nam mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Số người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đang có xu hướng tăng do đến nay chưa có thuốc chủng ngừa.
3. Các con đường lây nhiễm bệnh viêm gan C
Bệnh viêm gan C lây truyền từ người mắc viêm gan C sang cho người lành theo 3 đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C chủ yếu theo đường máu, như người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi C; dùng chung kim tiêm nhiễm siêu vi C; nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm có chứa virus viêm gan C. Một số nguyên nhân khác như châm cứu, bấm lỗ tai, xăm mình mà các dụng cụ hành nghề không tuyệt đối vô khuẩn cũng là nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này. Ngoài ra, có khoảng 30%-40% không rõ nguyên nhân lây nhiễm.
4. Bệnh viêm gan C có chữa khỏi được không ?
Dù chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng bệnh viêm gan C chữa khỏi được.
Một tin vui cho bệnh nhân mắc viêm gan C là phác đồ điều trị bệnh mới nhất được Bộ Y tế ban hành đã giúp giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Phác đồ mới điều trị viêm gan virus C với sự ra đời của các thuốc kháng virus trực tiếp, liệu trình điều trị của người bệnh giảm từ 48 tuần xuống còn 12-24 tuần, tỉ lệ khỏi bệnh cao, người bệnh chịu ít tác dụng phụ. Thay vì người bệnh phải tiêm dưới da, trong điều kiện bảo quản khắt khe, nhiều tác dụng phụ, hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 70% thì nay người bệnh sử dụng thuốc dạng viên uống mỗi ngày, hiệu quả điều trị tới hơn 90%.
Trước đây, ngoài chi phí cao, người bệnh còn phải chịu rất nhiều tác dụng phụ của thuốc như: sốt cao, rụng tóc, nôn, cường giáp, biến chứng lên tim mạch, thần kinh… thậm chí tử vong. Đây là lý do mà thầy thuốc cũng thận trọng trong việc chỉ định điều trị cho bệnh nhân viêm gan C. Tuy vậy, không phải tất cả trường hợp mắc viêm gan C đều phải điều trị. Dựa trên các kết quả đánh giá và theo dõi bệnh, nếu men gan không tăng, các chỉ số máu ổn định, hình ảnh siêu âm gan đẹp, bệnh nhân được hẹn tái khám định kỳ. Có những trường hợp virus viêm gan C “ngủ” suốt 10-20 năm mà không cần điều trị.
5. Điều trị viêm gan C
Tại Việt Nam, hiện đã có một số loại thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành có hoạt chất sofosbuvir, thuốc phối hợp 2 hoạt chất gồm sofosbuvir + ledipasvir, hoặc thuốc có hoạt chất daclatasvir. Việc sử dụng hợp lý những thuốc trên sẽ đem lại cơ hội điều trị khỏi bệnh viêm gan virus C cho rất nhiều bệnh nhân, kể cả những trường hợp bệnh nhân đã bị xơ gan nặng. Tuy nhiên, mỗi người có khả năng dung nạp với thuốc, tiên lượng đáp ứng với các phác đồ, mức độ chịu tác dụng phụ khác nhau. Vì thế, người bệnh cần được các bác sĩ giàu kinh nghiệm tư vấn, theo dõi và điều chỉnh thuốc cho phù hợp ở từng thời điểm để đạt hiệu quả tối đa.
Nguồn: Theo Phòng khám Gan Tâm Đức