Khám sức khỏe tổng quát nữ là chương trình khám sức khỏe tổng thể dành cho nữ giới, nhằm kiểm tra tình trạng các chức năng của cơ thể, phát hiện những bất thường ở giai đoạn sớm. Dưới đây là những lưu ý trước khi khám sức khỏe tổng quát nữ.
1. Khám sức khỏe tổng quát nữ là khám những gì?
1.1. Khám nội tổng quát
Kiểm tra chỉ số huyết áp, BMI, vòng bụng, vòng ngực: Nhằm đánh giá về các bệnh lý tim mạch, các yếu tố nguy cơ các bệnh lý nội khoa khác.
Bác sĩ nội tổng quát sẽ khám và tư vấn: Hỏi bệnh sử, đánh giá yếu tố nguy cơ của bệnh qua hỏi bệnh và khám lâm sàng.
1.2. Khám mắt
Bác sĩ kiểm tra thị lực. Đánh giá các yếu tố nguy cơ các bệnh về mắt: tật khúc xạ, loạn thị, cận thị,…
1.3. Khám răng
Khám và tư vấn các vấn đề răng miệng bởi bác sĩ chuyên khoa răng.
Chụp phim răng toàn cảnh: Phát hiện các bệnh lý nang chân răng, u xương hàm.
1.4. Khám tai mũi họng
Khám, tư vấn chuyên khoa tai mũi họng.
Nội soi tai mũi họng: Nhằm phát hiện các bệnh lý vùng tai mũi họng.
1.5. Khám phụ khoa
Khám, tư vấn bác sĩ phụ khoa: Khám phần phụ, khám vú, soi cổ tử cung, xét nghiệm HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung.
1.6. Các thăm dò cận lâm sàng bao gồm
– Các xét nghiệm sinh hóa máu
Đánh giá chức năng gan: Thông qua xét nghiệm men gan AST, ALT, GGT, định lượng bilirubin ( toàn phần-trực tiếp, gián tiếp).
Đánh giá chức năng thận: Thông qua xét nghiệm creatinin, ure máu.
Tầm soát đái tháo đường: Xét nghiệm đường huyết lúc đói, chỉ số HbA1c.
Bệnh gút: xét nghiệm acid uric.
Kiểm tra rối loạn lipid máu: Định lượng cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, triglycerid.
Kiểm tra lượng sắt trong máu: Xét nghiệm sắt huyết thanh.
Tổng phân tích nước tiểu: Phát hiện bệnh hệ thống bài tiết nước tiểu, đường niệu.
– Các xét nghiệm huyết học
Xét nghiệm công thức máu: Đánh giá tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng và có rối loạn đông máu liên quan đến số lượng tiểu cầu.
Nhóm máu (hệ ABO và hệ Rh): Xác định nhóm máu cần thiết cho việc truyền máu.
– Xét nghiệm vi sinh
TPHA-giang mai: đánh giá tình trạng nhiễm giang mai.
Viêm gan B: Kháng nguyên (HBsAg) và định lượng kháng thể (HBsAb).
Viêm gan C: Kháng thể kháng virus viêm gan C (HCV Ab).
Viêm gan A: Kháng thể kháng virus viêm gan A ( HAV-IgM).
Test hồng cầu trong phân: Phát hiện các bệnh lý về đại tràng (u, loét, viêm đại tràng do ký sinh trùng).
Test HP trong máu.
Xét nghiệm phân tìm trứng sán.
– Xét nghiệm miễn dịch
Tầm soát ung thư gan: Xét nghiệm AFP.
Xét nghiệm FT3, FT4, TSH kiểm tra đánh giá chức năng tuyến giáp.
Làm các xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến giáp.
Xét nghiệm đánh giá chức năng sinh sản và sinh dục nữ: FSH, LH.
Định lượng Pepsinogen (I, II tỷ lệ I/II): Theo dõi tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày.
– Siêu âm
Siêu âm ổ bụng: Kiểm tra các bệnh lý các cơ quan trong ổ bụng gan, lách, tụy, mật, thận.
Đo độ đàn hồi của nhu mô gan: xác định độ xơ hóa gan đánh giá tiên lượng và theo dõi bệnh lý của gan.
Siêu âm tuyến giáp.
Siêu âm vú 2D, 3D: Xác định các bệnh lý tại vú.
Siêu âm phụ khoa bằng đầu dò âm đạo và siêu âm qua đường bụng.
– Thăm dò chức năng
Điện tâm đồ: Phát hiện các bệnh như thiếu máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền, dày thất, nhồi máu cơ tim, ngoại tâm thu…
Thực hiện các chẩn đoán hình ảnh:
Chụp X-quang vú.
Chụp Xquang tim phổi.
Chụp MRI: Chụp cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng.
Chụp CT.
Nội soi: Nội soi dạ dày nhằm phát hiện các bất thường ở dạ dày; Nội soi đại tràng nhằm phát hiện các bất thường ở đại tràng.
2. Những lưu ý trước khi khám sức khỏe tổng quát nữ
Để đạt được hiệu quả cao nhất, trước khi khám sức khỏe tổng quát nữ, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Vào sáng ngày đi khám, chỉ uống nước lọc, không nên ăn sáng và không uống các loại nước đường, nước có gas hoặc có chứa chất kích thích như cà phê, rượu…
Việc nhịn ăn cũng là yêu cầu cần thiết đối với nội soi dạ dày
Trước khi siêu âm bụng tổng quát, bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để việc quan sát các bộ phận như túi tinh hoặc tuyến tiền liệt được dễ dàng hơn
Vệ sinh tai mũi họng, vùng kín và cơ thể sạch sẽ trước khi thăm khám.
Trong trường hợp cần làm xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung âm đạo (PAP Smear) nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Chị em cần lưu ý:
Xét nghiệm này chỉ dành cho phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, không làm xét nghiệm này khi đang có kinh nguyệt, đang ra máu âm đạo, đang có viêm nhiễm nặng, đang đặt thuốc điều trị viêm âm đạo, đang có thai.
Thời điểm làm xét nghiệm nên trước và sau kỳ kinh ít nhất 7 ngày. Trước khi làm xét nghiệm 24 giờ không thụt rửa, giao hợp.
Có thể uống thuốc bình thường nếu như bạn đang cần điều trị bệnh.
Thông thường, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho khách hàng, các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ có những gói khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi. Mỗi người tốt nhất nên chọn gói khám sức khỏe tổng quát, danh mục khám phù hợp với độ tuổi, nhu cầu và khả năng tài chính.