Cỏ chỉ thiên là một loài cỏ khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy không hiếm, những cỏ chỉ thiên có nhiều công dụng chữa bệnh rất quý, như: thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, chữa viêm gan, vàng da, cảm sốt, viêm họng,…
1. Tổng quan về cây cỏ chỉ thiên
Cây cỏ chỉ thiên còn gọi là cỏ lưỡi mèo, địa đảm đầu, địa đảm thảo, bồ công anh, khổ địa đảm. Tên khoa học là: Elephantopus scaber L. Cây thuộc họ Cúc Asteraceae. Đây là loài cỏ mọc hoang, rất phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước châu Á như: miền Nam Trung Quốc, Malaixia, Philipin, Ằn Độ, Inđônêxya, Miến Điện, Thái Lan…
Cây ưa sáng và có thể chịu nắng hạn tốt, thường mọc thành đám hay xen kẽ với các loại cỏ khác. Ở vùng vùng đồi, nương rẫy, bãi hoang và ở các bờ ruộng cao, có thể sống được trên nhiều loại đất.
Cỏ chỉ thiên có thân cây cao chừng 20-50cm, nhiều cành, gần như không có lá, cả cây có lông. Cây có lá gốc mọc thành hình hoa thị, sát đất, hoa màu tím.
Cây con mọc từ hạt vào khoảng cuối mùa Xuân. Sinh trưởng nhanh trong mùa mưa ẩm. Sau mùa hoa quả, cây tàn lụi vào giữa mùa thu. Cá biệt có những cây mọc trên đất ẩm, phần gốc có thể tồn tại qua đông và mọc lại vào mùa xuân năm sau.
Tất cả các bộ phận của cây chỉ thiên đều có thể làm thuốc chữa bệnh. Trong Đông y, loại cây này được coi là một trong những vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc chữa bệnh. Sau khi hái về, người ta thường đem đi rửa sạch, sau đó cắt ra từng khúc sao vàng cho khô để có thể bảo quản lâu dài.
Có một đều lưu ý là nhiều người thường vẫn hay nhầm lẫn giữa cây chỉ thiên với cây tiền hồ nam, thuộc họ cỏ roi ngựa. Loài cây này có hình dáng giống với cây chỉ thiên nhưng tính vị và tác dụng lại rất khác nhau. Cây tiền hồ nam có vị đắng, có tác dụng làm thuốc bổ, chữa ho và trừ giun.
2. Thành phần hóa học của cây cỏ chỉ thiên
Trong sách “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi có ghi chép rằng cây cỏ chỉ thiên có chứa chất tinh thể không có màu glucozit, không có chất ancaloit. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu khác cho thấy toàn thân cây cỏ chỉ thiên đều có chứa các chất: elephantin, elephantopin, deoxyelephantopin, isodeoxyelephantopin, 11 – 13 dihydrodeoxyelephantopin, lupeol acetat, epifriedelinol, dotriacontan-1-ol. Đài hoa chứa luteolin-7-glucosid. Đặc biệt, chất elephantin với liều 100 mg/kg có tác dụng ức chế tế bào sarcom 256 trên chuột và chất deoxyelephantopin với liều 2,5 mg/kg trên chuột trắng có tác dụng ức chế tế bào u báng rõ rệt.
3. Cây cỏ chỉ thiên chữa bệnh gì?
Cây cỏ chỉ thiên là loại thảo dược không có độc, tính bình, là loại vị thuốc trong các bài thuốc Đông y từ xưa đến nay. Công dụng cây chỉ thiên hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị nhiều loại bệnh như:
- Giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc.
- Lợi tiểu, tiêu thũng, trị chứng tiểu buốt, đi tiểu ra máu.
- Chữa viêm gan, vàng da hiệu quả.
- Trị ho, cảm sốt, đau họng do viêm amidan.
- Chữa viêm loét miệng lưỡi, giữ cho hơi thở thơm tho hơn.
- Điều trị viêm loét dạ dày.
- Chữa ung nhọt độc, đinh râu rất tốt.
- Giảm sưng đau, giải độc do rắn cắn.
Đặc biệt, cao từ cây cỏ chỉ thiên có tác dụng bảo vệ gan chống lại thương tổn gan cấp tính gây bởi β-D-galactosamin và paracetamol, cao này (500 mg/kg tiêm phúc mạc) làm giảm nồng độ các enzym GOT và GPT huyết thanh, chứng tỏ sự cải thiện của tổn thương gan. Trong một nghiên cứu tương tự dùng carbon tetraclorid để gây tổn thương gan, đã thấy việc điều trị với cao chỉ thiên có tác dụng cải thiện đáng kể đối với sự thoái biến mỡ của gan và sự hoại tử của những thùy trung tâm.
4. Cách dùng cây cỏ chỉ thiên
Cách dùng cây chỉ thiên trị bệnh hiệu quả tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Cây có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô, sắc uống, hãm trà hay tán thành bột mịn đều được. Tùy từng mục đích chữa bệnh, người dùng có thể chế biến thảo dược theo các cách khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
5. Lời kết
Hiện nay, cây cỏ chỉ thiên được bán rộng rãi trên thị trường, tại các tiệm thuốc Đông y, trên các trang thương mại điện tử,… Người dùng có thể dễ dàng đặt mua cây thuốc này. Tuy nhiên, việc sử dụng riêng rẽ, không có sự theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh cũng như diễn tiến của bệnh khiến cho không phát huy hết được công dụng tuyệt vời của vị thuốc quý này.
Để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh của vị thuốc cỏ chỉ thiên, tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc các thầy thuốc y học cổ truyền.
Tham khảo: Phòng khám chuyên khoa Gan Tâm Đức