Bệnh viện Phổi trung ương vừa phẫu thuật thành công, cắt bỏ dị vật là nhánh cây dài 6,5cm đâm xuyên qua thùy phổi phải một bệnh nhân nam. Điều đáng nói, nhánh cây này đã nằm trong phổi bệnh nhân suốt 14 năm.
Anh T. (22 tuổi, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nhập viện trong tình trạng ho sốt kéo dài, thậm chí ho ra máu. Anh T. cho biết khi mới 8 tuổi, anh bị ngã trong một lần đi chơi cùng các bạn, cành cây đâm vào thành ngực. Sau đó, anh T. thường xuyên xuất hiện những cơn ho ra máu, những cơn sốt thất thường trong suốt 14 năm qua.
Năm ấy anh T. mới 8 tuổi, được bố mẹ đưa đến nhiều bệnh viện khám nhưng không tìm ra nguyên nhân tình trạng thường xuyên ốm, sốt, khó thở, gầy gò. Gần đây, anh T. mệt nhiều hơn, đến Bệnh viện Phổi Trung ương khám, nội soi phát hiện phổi có dị vật.
Ngày 19/8, bác sĩ Khiếu Mạnh Cường, Khoa Phẫu Thuật Lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết dị vật đã tồn tại quá lâu trong phổi đâm xuyên qua thùy trên, một phần thùy giữa của phổi phải và gây tổn thương diện rộng. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân gầy gò, ốm yếu suốt nhiều năm qua.
Các bác sĩ xác định đây là ca phẫu thuật loại bỏ dị vật phức tạp nhất từng gặp, đòi hỏi kỹ thuật bóc tách tổn thương khéo léo để bảo tồn phần phổi lành cho người bệnh. Chưa kể, dị vật kích thước lớn và tồn tại quá nhiều năm trong phổi gây ra rất nhiều ổ viêm nhiễm, ổ mủ trong khoang phổi. Bệnh nhân “nguy cơ phải cắt bỏ hoàn toàn lá phổi phải”, theo bác sĩ Cường.
Ê kíp phẫu thuật sau đó đã gắp ra một nhánh cây dài 6,5 cm, đường kính 0,9 cm. Bệnh nhân may mắn không phải cắt toàn bộ lá phổi.
Sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh, hơi thở nhẹ nhàng hơn. Các bác sĩ tiếp tục theo dõi và chăm sóc hậu phẫu để kịp thời xử trí nếu có bất thường.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có bất thường về sức khỏe cần đi khám đúng chuyên khoa để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị dứt điểm. Như bệnh nhân trên, dị vật ở trong phổi lâu hơn nguy cơ sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn lá phổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này.
Nguồn: VnExpress