Câu câu kỷ tử (kỷ tử đỏ) là một vị thuốc rất quen thuộc trong các bài thuốc Đông y, từ bài thuốc sắc, thang thuốc ngâm rượu. Câu câu kỷ tử có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe, bao gồm tăng cường miễn dịch, bổ thận, tăng lượng hormone testosterone, đẹp da…
1. Tổng quan về câu câu kỷ tử
Câu câu kỷ tử hay gọi là cẩu kỷ, kỷ tử, kỷ tử đỏ, củ khởi hay củ khỉ, có tên khoa học là Lycium barbarum L. Đây là một cây thuốc quý mọc tại các tình như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc.
Cây câu kỷ tử cao 0.5m đến 1.5m. Cành nhỏ, thỉnh thoảng có gai ngắn mọc ở kẽ lá. Lá mọc so le, một số mọc vòng tại một điểm. Cuống lá ngắn 2 – 6mm, phiến lá hình mác. Đầu lá và phía cuống của lá đều hẹp, hơi nhọn, dài 2 – 6cm, rộng 0.6 – 2.5cm, mép lá nguyên.
Cây câu kỷ tử ra hoa từ tháng 6 – 9, có quả từ tháng 7 – 10. Hoa nhỏ, mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa tụ lại. Cánh hoa màu tím đỏ.
Quả câu kỷ tử mọng nước có hình trứng, khi chín màu đỏ sẫm hay vàng đỏ. Quả câu kỷ tử khô có hình bầu dục dài khoảng 0,5-1cm, vỏ màu tím đỏ hoặc đỏ tươi, mặt ngoài nhăn nheo, bên trong có nhiều hạt hình dạng giống quả thận màu vàng, có một đầu có vết cuống quả. Quả câu câu kỷ tử khô được dùng làm thuốc.
2. Tác dụng của kỷ tử theo đông y
Dược liệu có vị ngọt, tính bình; quy vào kinh Can, Phế, Thận. Công dụng của kỷ tử là cường thịnh âm đạo, minh mục, an thần, bổ ích tinh huyết, khí hư lao, nhuận phế, trừ phong, bổ gân cốt, ích khí, tư thận,… Từ đó, chủ trị các bệnh :
- Chứng âm huyết hư tổn, di tinh
- Can thận âm hư, huyết hư gây chóng mặt, khái thấu và đau thắt lưng
- Tiểu đường
3. Tác dụng của vị thuốc theo nghiên cứu của y học hiện đại
Theo các tài liệu y học, kỷ tử chứa nhiều thành phần hóa học, chủ yếu có Betain, nhiều loại axit amin, polysaccharid. vitamin B1, B2, C, acid nicotinic, Ca, P, Fe… Cụ thể như sau:
- Trong câu kỷ tử có chừng 0,09% chất Betain (C5H11O2N). (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trong 100g quả có 3,96mg Caroten, 150mg Canxi, 6,7mg P. 3,4mg sắt, 3mg Vit C, 1, 7mg axit nicotic, 0,23mg Amon sunfat (Từ Quốc Quân và Triệu Thủ Huấn)
- Trong Khởi tử có Lysin, Cholin, Betain, 2,2% chất béo và 4,6% chất Protein. Acid cyanhydric và có thể có Atropin (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
- Carotene, Thiameme, Riboflavin, Vitamin C, b-Sitosterol, Linoleic acid. (Chinese Herbal Medicine).
- Betain(Nishiyama R, C A 1965, 63 (4): 4660).
- Valine, Glutamine, Asparagine. (Nishiyama R, C A 1963, 59 (11): 13113b).
- Trong 100g Câu câu kỷ tử có Carotene 3,39mg, Thiamine 0,23g. Riboflavine 0,33mg. Nicotinic acid 1,7mg, Vitamin C 3mg. (Từ Quốc Quân, Dược Tài Học, Bắc Kinh 1960: 513).
4. Công dụng chính của quả câu câu kỷ tử
Trong quả câu kỷ tử có chứa thành phần như vitamin B1. B2, vitamin C, nhiều loại acid amin, canxi, sắt, photpho, caroten…Câu kỷ tử có những tác dụng chính như:
- Đối với hệ nội tiết: hoạt chất trong câu kỷ tử giúp nâng cao hoạt động của tuyến yên, tuyến thượng thận.
- Đối với hệ sinh sản: Câu kỷ tử có tác dụng cải thiện các dấu hiệu về sinh lý ở nam giới như: suy giảm nồng độ testosterone, giảm ham muốn, chất lượng tinh trùng kém, xuất tinh sớm, hiếm muộn, rối loạn cương dương…
- Đối với hệ thần kinh: câu kỷ tử tốt cho não, giúp tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị đau đầu, mệt mỏi, căng thẳng, giúp tinh thần tỉnh táo.
- Đối với hệ tuần hoàn: thành phần hoạt chất có trong câu kỷ tử giúp kiểm soát lượng đường trong máu nên phù hợp với những người bị bệnh về đường huyết.
- Đối với hệ hô hấp: câu kỷ tử giúp bổ phổi nên rất phù hợp với những người bị chứng khó thở hay mắc các bệnh về đường hô hấp.
- Đối với hệ vận động: câu kỷ tử có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo huyết của tủy xương, giúp giảm đau lưng, mỏi gối. Vì vậy, nó rất cần thiết đối với trẻ em và người lớn tuổi.
Thêm vào đó, câu kỷ tử tốt cho gan, mật nên cũng phù hợp với những người bị gan nhiễm mỡ, nóng trong người và suy nhược cơ thể. Câu kỷ tử còn giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Đặc biệt, câu kỷ tử còn được mệnh danh là “minh mục tử” bởi nó rất tốt cho mắt và có thể nói câu kỷ tử chính là loại thảo dược chuyên dành cho đôi mắt. Sử dụng câu kỷ tử giúp cải thiện tình trạng giảm thị lực, nhất là với những người làm việc văn phòng và những người lớn tuổi.
5. Câu kỷ tử kiêng kỵ gì?
Mặc dù là vị thuốc quý nhưng cách sử dụng kỷ tử nếu không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, cần lưu ý những điều sau:
- Không dùng trong thời kỳ mang thai vì dược liệu có thể gây sẩy thai.
- Phụ nữ cho con bú không nên dùng vì ảnh hưởng đến khả năng bài tiết sữa.
- Không dùng cho người đang bị tiêu chảy.
- Trẻ em trên 36 tháng có thể sử dụng nhưng liều cần giảm một nửa so với người lớn.
- Câu kỷ tử có thể tương tác với một số loại thuốc. Nếu bạn đang dùng warfarin (chất làm loãng máu), bạn không nên sử dụng dược liệu này. Ngoài ra, câu kỷ tử cũng có thể gây ra tương tác xấu với thuốc trị bệnh đái tháo đường và thuốc trị huyết áp. Để đảm bảo tính an toàn, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
6. Cách dùng câu kỷ tử
Trong ẩm thực, câu kỷ tử thường được dùng trong các món ninh, hầm. Trong đó, gà hầm câu kỷ tử là món khá thông dụng. Ngoài ra, câu kỷ tử còn được dùng khi nấu cháo và cháo câu kỷ tử là món rất tốt cho người bị gan nhiễm mỡ.
Trong y học, câu kỷ tử thường được dùng dưới dạng trà (trà câu kỷ tử), thuốc sắc, ngâm rượu hoặc bào chế dạng viên (có thể có hoặc không kết hợp cùng các vị thuốc khác). Câu kỷ tử thường được kết hợp với những vị thuốc khác có tác dụng bồi bổ khí huyết như thục địa, hoàng kỳ, đại táo… để tăng tác dụng.
Liều lượng sử dụng câu kỷ tử: Mỗi ngày từ 8 đến 20 gram.
7. Bảo quản câu kỷ tử
- Mặc dù có thể dùng tươi (dùng quả chín) nhưng câu câu kỷ tử thường được phơi khô để dễ bảo quản.
- Quả câu kỷ tử khô thường được bảo quản bằng cách đựng vào lọ kín để nơi khô ráo.
- Nếu quả câu kỷ tử khô bị thâm đen (Không phải bị mốc), có thể phun rượu rồi xóc lên, quả sẽ trở lại màu đỏ đẹp.
8. Lời kết
Câu kỷ tử mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe khi sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Bạn tuyệt đối không nên lạm dụng. Đặc biệt, nếu đang điều trị bệnh bằng thuốc Tây y, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế tương tác thuốc bất lợi.
Nguồn: TĐYK (TH)