Bệnh xơ gan là gì? Có chữa được không?

Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương, các mô gan bị thay thế bằng mô xơ làm gan không còn khả năng hoạt động. Những người mắc bệnh gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan virus…) đều có khả năng sẽ bị xơ gan. Bệnh xơ gan tuy nguy hiểm tới tính mạng và khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng lại rất dễ phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản.

benh xo gan la gi benh xo gan co chua duoc khong
Hai nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến xơ gan là: viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D) và uống nhiều rượu, bia.

1. Bệnh xơ gan là gì?

Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa (tạo sẹo) ở gan do nhiều tác nhân khác nhau gây ra. Sự xơ hóa làm cản trở hoạt động bình thường của gan. Mô sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan và làm chậm quá trình xử lý các chất dinh dưỡng, hormone, thuốc và chất độc tại gan, đồng thời cũng làm giảm sản xuất protein và các chất khác do gan tạo ra.

Xơ gan trải qua các giai đoạn xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Mức độ xơ hóa gan còn chia cụ thể hơn qua các mức độ nhỏ F1, F2, F3, F4. Trong đó F4 là cấp độ nặng nhất. Xơ gan giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

cac giai doan tien trien cua benh xo gan
Các giai đoạn tiến triển của bệnh xơ gan

Xơ gan là một căn bệnh nguy hiểm không chỉ vì các biến chứng của nó gây ra mà còn vì căn bệnh này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đa số người bệnh chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng.

2. Phân loại bệnh xơ gan

Dựa vào đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hình ảnh học mà xơ gan được phân loại thành xơ gan còn bù và xơ gan mất bù, cụ thể như sau:

– Xơ gan còn bù

Xơ gan còn bù là tình trạng gan đã bị tổn thương nhưng vẫn có thể thực hiện được các chức năng quan trọng của nó. Xơ gan còn bù được xem là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, kéo dài trong nhiều năm và thường không biểu hiện triệu chứng.

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc nếu có thì cũng rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Các dấu hiệu ban đầu của xơ gan có thể bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Chán ăn, ăn không ngon
  • Buồn nôn
  • Sốt nhẹ
  • Giảm cân không chủ ý
xo gan con bu xo gan mat bu
Hình ảnh minh họa gan bình thường, xơ gan còn bù và xơ gan mất bù

– Xơ gan mất bù

Xơ gan mất bù được xác định khi gan bị tổn thương lan tỏa, xơ hóa chiếm phần lớn và không còn khả năng thực hiện các chức năng, người bệnh cũng dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư gan.

Xơ gan mất bù là giai đoạn sau của xơ gan với những biểu hiện rõ rệt hơn nhiều so với giai đoạn xơ gan còn bù, như:

  • Vàng da, vàng mắt
  • Ngứa da, sạm da
  • Dễ bị bầm tím và chảy máu
  • Lòng bàn tay đỏ rực lên (bàn tay son)
  • Xuất hiện nhiều nốt giãn mạch màu đỏ trên da, còn gọi là nốt sao mạch
  • Sưng (phù) ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân
  • Cổ trướng còn gọi là báng bụng (tích tụ dịch trong ổ bụng)
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân có thể màu nhạt
  • Lú lẫn, giảm trí nhớ, thay đổi tính cách
  • Đi ngoài ra máu, hoặc ói ra máu
  • Giảm ham muốn tình dục, biểu hiện qua mãn kinh sớm (ở phụ nữ) hoặc tuyến vú phát triển (ở nam giới), tinh hoàn teo lại.
cac dau hieu benh xo gan
Một số biểu hiệnh của bệnh xơ gan

3. Nguyên nhân của bệnh xơ gan

Bất cứ điều gì làm tổn thương gan đều có thể dẫn đến xơ gan. Trong đó, có 02 nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến xơ gan là: viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D) và uống nhiều rượu, bia. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân xơ gan khác gây xơ gan, bao gồm:

  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: Là dạng viêm gan liên quan đến thừa cân, béo phì, gan thấm mỡ và tiểu đường type 2
  • Viêm gan tự miễn: Một tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể quay sang tấn công các mô gan khỏe mạnh, khiến gan bị tổn thương
  • Lạm dụng thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (acetaminophen, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc chống trầm cảm) có thể dẫn đến xơ gan.
  • Xơ gan do ký sinh trùng: Amíp, ký sinh trùng sốt rét và sán lá gan là những loại ký sinh trùng thường gặp nhất gây nên các tổn thương tế bào gan và dẫn đến xơ gan
  • Một số các tình trạng di truyền: Bệnh Wilson, thiếu alpha-1 antitrypsin, hemochromatosis, hội chứng Alagille, các bệnh về dự trữ glycogen… có thể gây xơ gan
  • Xơ gan do các bệnh làm tổn thương hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật trong gan: Viêm đường mật, tắc ống mật, ung thư đường mật…
  • Xơ gan do ứ đọng máu kéo dài: Bệnh suy tim, viêm tắc tĩnh mạch trên gan

4. Các biến chứng của bệnh xơ gan

Bệnh xơ gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Tăng áp tĩnh mạch cửa: Tĩnh mạch cửa là những tĩnh mạch có nhiệm vụ vận chuyển máu từ các cơ quan nội tạng (dạ dày, ruột non, ruột già, tụy, lách) đến gan. Xơ gan có thể làm tăng áp ở tĩnh mạch cửa, gây xuất huyết tiêu hóa và dẫn tới tử vong.
  • Cổ trướng, phù nề: Tăng áp tĩnh mạch cửa và giảm đạm trong máu có thể gây tích tụ chất lỏng ở chân (phù nề) và ở bụng (cổ trướng). Sử dụng thuốc và áp dụng chế độ ăn ít muối có thể giúp cải thiện tình trạng này.
  • Nhiễm trùng: Người bệnh xơ gan thường gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng. Cổ trướng kéo dài có thể dẫn đến viêm phúc mạc tiên phát do vi khuẩn. Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng với các biểu hiện sốt, đau tức bụng, tiêu lỏng, nôn ói… Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt.
  • Hội chứng gan – thận (HRS): Bệnh nhân xơ gan cổ trướng có thể xuất hiện tình trạng suy thận chức năng với các biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn, lách to, teo cơ, run giật cơ, dấu sao mạch trên ngực và thiểu niệu. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới tử vong.
  • Hội chứng gan – phổi (HPS): Biến chứng nguy hiểm này sự kết hợp của bệnh gan, giãn mạch máu trong phổi và những bất thường trong trao đổi khí. Triệu chứng điển hình của tình trạng này là khó thở và thiếu oxy, nặng hơn khi người bệnh xơ gan ở tư thế đứng thẳng. Hội chứng gan – phổi làm tăng nguy cơ tử vong.
  • Vấn đề xương khớp: Một số người bị xơ gan bị mất sức mạnh của xương và có nguy cơ gãy xương cao hơn.
  • Ung thư gan: Xơ gan là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ ung thư gan.

5. Điều trị bệnh xơ gan

Phương pháp điều trị xơ gan phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương gan của người bệnh. Mục tiêu của điều trị là làm chậm sự tiến triển của mô sẹo trong gan, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng của bệnh.

Việc điều trị xơ gan hiệu quả nhất là điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan, nắm bắt được nguyên nhân gây bệnh sau đó mới đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Trong những trường hợp xơ gan tiến triển khiến gan mất khả năng hoạt động, ghép gan là lựa chọn điều trị duy nhất của người bệnh. Đây là việc thay thế lá gan hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

6. Cách phòng ngừa bệnh xơ gan

Bệnh xơ gan tuy khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng lại rất dễ phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản. Để ngăn ngừa bệnh xơ gan, chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tạo lập các thói quen tốt trong sinh hoạt cũng như chủ động phòng tránh các nguyên nhân có thể gây xơ gan:

  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung rau, củ, trái cây, thực phẩm giàu protein và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế chất béo và cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Ăn chín, uống sôi, đặc biệt không ăn sống các loại hải sản có vỏ vì chúng có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng gây nhiều bệnh lý nguy hiểm.
  • Hạn chế sử dụng rượu: Kiểm soát lượng rượu tiêu thụ và tần suất sử dụng rượu bia phù hợp để không gây hại cho sức khỏe. Trường hợp đã mắc bệnh về gan, người bệnh cần kiêng hoàn toàn rượu bia.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tránh các hành vi nguy cơ cao làm lây nhiễm viêm gan B hoặc C, chẳng hạn như tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai liều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến gan.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A và B (đặc biệt là viêm gan B).
  • Tiêm phòng cúm hàng năm. Cân nhắc về việc tiêm phòng viêm phổi.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 03-06 tháng/ lần.

TĐYK (TH)

4.6/5 - (5 votes)

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top